Kim Lân (1920-2007) nổi tiếng là cây bút có biệt tài về truyện ngắn, tiêu biểu cho sáng tác của ông là hai cái truyện ngắn nổi tiếng “ Làng” và “Vợ nhặt”. Bút mực khen văn tài của Kim Lân trong hai truyện này có lẽ đã dày hơn một nghìn lần độ dày của chính tác phẩm: Tạo tình huống, xử lí nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện…
Tôi đồng tình với nhà giáo Đỗ Kim Hồi trong lời phát biểu: Xét về văn chương thì cái “Vợ nhặt” có phần hơn cả cái “Làng”. Trong các nhân vật văn học, không kể các loại nhân vật minh họa, nhân vật văn chương thật sự vào loại hiếm của truyện ngắn như Huấn Cao ( Nguyễn Tuân) Chí Phèo, cu Lộ, lão Hạt ( Nam Cao), Mỵ (Tô Hoài )…thì tôi xếp anh cu Tràng của “ Vợ nhặt” vào loại nhân vật ưu tiên mỗi khi đọc lại. Cái lạ, cái hấp dẫn nhất của nhân vật với tôi là ở chỗ nhà văn đã đặt vào nhân vật có phần khù khờ ấy một khát vọng hạnh phúc đến đáng kính, và đã giải quyết thật thuyết phục.
Mỗi lần đọc lại truyện “vợ nhặt”, tôi bao giờ cũng lật ngay cái trang nói chuyện Tràng nhặt được vợ trên chợ tỉnh, và dù lần thứ mấy mươi vẫn nguyên xi cái thú vị ban đầu ngộ ngộ: Anh cu Tràng đang làm một cuộc đấu giá vô tiền khoáng hậu: Một cuộc đấu giá hạnh phúc.
Khởi từ một cuộc chơi, một lời nói chơi: “ Muốn ăn cơm trắng mấy giò, lại đây mà đẩy xe bò với anh” rồi cái cuộc chơi cứ phăm phăm ráo riết thành cuộc thật tự lúc nào mà chính Tràng cũng không kịp nhận ra. Thử rà xét lại các đương sự xem thái độ của người trong cuộc thế nào?
Người đàn bà sản phẩm của mùa đói thôi thì đủ cái lệch vẹo : Nghe ăn thì lon ton; mất ăn thì cong cớn, sưng sỉa; thấy ăn thì mắt sáng lên; được ăn thì sà xuống; và khi ăn thì cắm đầu… Và khi thị cắm đầu ăn một chập hết bốn bát bánh đúc thì tôi nghĩ cái dạ dày của thị đã tiêu hóa nốt chút lòng tôn trọng mà người ta vốn quen dành cho những người đàn bà!
Ấy đó là chân dung người đàn bà, phải có cái chân dung ấy thì mới hiểu hết bí mật trong thế giới khát vọng của Tràng.
Tràng đã bỏ ra những gì để có được người đàn bà ấy? Thử làm một phép thống kê: Bốn bát bánh đúc, một cái thúng con, vài thứ lặt vặt, lại còn rình rang đi chợ tỉnh và kết cuộc là vào hàng cơm đánh một bữa no nê và lại vì thị mà liều lĩnh thắp lên hai hào dầu giữa mùa đói!
Mọi con số thống kê đều trở nên mù điếc nếu không đặt vào thời giá. Ở vào cái thời mà chị Dậu vét cả chó, cả con cũng chỉ được định giá hai đồng mốt, và ba đồng bạc là mua đứt cả một đời người con trai lão Hạt đấy! Lại nữa, Tràng đã chi tiêu hào phóng trong cái khung cảnh người chết đói như ngả rạ, còn người sống thì đi lại dật dờ xanh xám như những bóng ma và cái âm thanh quạ gào lên từng hồi thê thiết, mùi vị khét lẹt của đống rấm, màu xám xịt của bầu không khí còn in hằn trên gương mặt bà cụ Tứ đã trở thành bảng tổng phổ của mùa đói. Cái chân giá ấy đã nói ít nhiều về cái giá mà Tràng đã bỏ ra. Song vẫn chưa sáng nghĩa mấy nếu ta chưa tính đến gia sản của Tràng. Mà Tràng thì có gì? Một chiếc áo nâu tàng, cành rong dấp cổng, căn nhà rúm ró xiêu vẹo, và cố kê khai thì có thể kể luôn cả một đống rác vốn có thói quen tung hoành ngay giữa lối đi ,ngay cả bữa ăn đãi nàng dâu mới mà bà cụ Tứ cố mĩ từ hóa nó lên thành chè khoáng cũng chỉ là nồi cháo cám đắng chát nghẹn bứ cả cổ họng! Có thể nói Tràng đã âm chi trong vụ mặc cả nổi tiếng này! Tràng đã ngã một cái giá quá đắt, đắt quá so với cái giá vốn ở thị, đến độ người đàn bà cong cớn ấy đã phải có lúc cau mặt: “ Hoang nó vừa thôi chứ!”
Mà chưa thấm thía gì so với thái độ của Tràng. Nào ai có ra giá mà Tràng ngã giá. Tưởng tượng tôi cứ thấy cái cảnh của một cuộc đấu giá lạ lẫm ở đó chỉ có Tràng một đấu với mình. Anh liên tục ra giá, rồi phá giá, rồi nâng giá: Ăn no rồi sắm sửa, sắm sửa rồi ăn sang, ăn sang rồi thắp sáng! Lại chào mời đon đả. Ra cái giá hạnh phúc với Tràng là quá lớn nên có cơ hội thì Tràng quyết đuổi bắt cho kì được, dù phải trả bằng bất cứ giá nào! Đã thế anh chàng lại ra dáng đắt ý của một đứa trẻ được cuộc, lại được cuộc rất nhàn, ngẫm xem trên đường đưa thị về nhà, mặt anh chàng cứ “phởn phơ tợn”.
Mỗi lần ngẫm nghĩ về anh cu Tràng trong trí tôi lại cứ hiện lên bóng dáng anh chàng nông dân nào đó trong một bài ca dao, mà hẳn cũng bà con họ hàng thân thuộc với Tràng, nghĩa là cũng rách mồng tơi, mà lại có cái ao ước rất sang:
Giá mà anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
Rõ là sang trọng nhé! Nổi tiếng chiếu Nga Sơn gạch Bát Tràng mà! Người nông dân nào ấy trong tình yêu đã dám mơ một giấc mơ sang trọng, đã dám yêu trong tư cách một bậc đế vương, bởi đã dãy dọc tòa ngang lại còn có nguyên cả một chiếc hồ soi bóng, Dương Quý Phi bên Tàu cũng chỉ sang trọng đến thế mà thôi. Và nhân vật Tràng của Kim Lân cũng đã ứng xử với tình yêu một cách thật là sang trọng.Ra là trong thế giới tâm hồn bí mật của con người vừa nghèo, vừa xấu, vừa hơi lẩn thẩn ấy luôn ngầm giấu một khao khát hạnh phúc, nên khi có cơ hội thì chàng quyết đuổi bắt cho kì được, dù phải trả bằng bất cứ giá nào.
Đọc “Vợ nhặt”, ta vẫn thường thấy ở Kim Lân một tấm lòng thật đôn hậu, ông trân trọng phẩm giá con người, nhất là những người nông dân cùng khốn. Chính vì vậy mà trong Tràng là bao nhiêu vẻ đẹp: Yêu thương, san sẻ, hiếu thảo, có trách nhiệm với vợ con. Song nếu chỉ có ngần ấy thôi thì tôi e rằng gương mặt nhân vật sẽ nhạt đi đến bao nhiêu so với hàng loạt nhân vật cùng phẩm chất. Cái làm nên nét đặc biệt ở Tràng chính là một khát vọng hạnh phúc đến đáng kính. Và làm nên cái duyên văn ở Kim Lân trong xử lí nhân vật là đã tìm ra một tình huống độc đáo: Một cuộc đấu giá hạnh phúc, từ đó mà mở ra kho tàng khát vọng kín giấu ở con người ngỡ không chân giá! Đó là cái tài, cũng là cái tình ở nhà văn Kim Lân.
.
Nguyễn Tấn Ái
Filed under: Bình luận, Tác giả &Tác Phẩm, Văn hóa, Văn học | Tagged: Chia Sẻ Tuổi Học Trò, Giáo dục, Kim Lân, Phân tích tác phẩm, Văn hoá |
Văn phong của Tấn Ái bao giờ cũng là văn phong của Tấn Ái. 🙂
ThíchThích
Lâu quá chưa vào blog của anh. Anh chuẩn bị Tết đến đâu rồi? Đọc bài viết có nhiều điều thú vị.
ThíchThích
Cảm ơn anh Đình Xuân!
Chuẩn bị tinh thần thì nhiều lắm, có cả một chương trình thăm viếng tết hẳn hoi đến hết 06.
Anh Xuân cùng gia đình vui tết nhiều nhé!
Ái
ThíchThích