• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 1 092 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 1 092 other subscribers

Hồi Ký Rời – tt- (Luân Hoán)

Hồi Ký Rời phần I

Em yêu dấu, những ngày tháng tiếp theo tại quê nội của tôi rất vui vẻ. Tôi đã chóng làm bạn với đám trẻ con hàng xóm. Những thằng Tín Anh, Tín Em. Những thằng Triển, thằng Lo…thằng nào cũng to con lớn tuổi hơn tôi, nhưng đều gọi tôi bằng anh. Chẳng phải chúng nể sợ gì tôi mà vì vai vế ông già tôi thuộc chi nhứt nhì trong làng.

Một hôm tôi đang chơi đá kiện với anh em thằng Tín, thì có tin Tây đi ráp. Dù chỉ là thằng bé mười tuổi, tôi cũng hết hồn, lật đật trèo tường rào trở về nhà. Chẳng bao lâu sau, lính Tây ập vào nhà tôi với súng đạn, ba lô … Đây là lần đầu tiên tôi thấy Tây, cả đen lẫn trắng. Tôi im thin thít ngồi một góc phòng trong khi ba tôi nói chuyện rất lâu với một thằng mang súng lục. Sau này tôi mới biết, nhà ba tôi là địa điểm đóng quân của ban chỉ huy, trong những lần quân Pháp đi lùng tại làng Liêm Lạc. Nhà của chúng tôi chẳng bao giờ bị lục soát. Do đó số lúa dự trữ của gia đình, cất giấu ngay trong ruột bàn thờ, được xây rất to giữa gian nhà trên không bao giờ bị phát hiện, Tôi nghĩ, chẳng qua những thằng quan Tây có ý giả lơ cho.

Lần đầu tiên chạm mặt với lính Pháp, ba tôi rất bình tĩnh. Mẹ tôi đã lo cho ông đầy đủ giấy tờ cần thiết. Ông không còn là người từ chiến khu về. Ông là người vừa ở Tourane hồi hương vì sức khoẻ. Chú Mười Thiều, một người bà con thúc bá, làm mật thám cho Pháp, đã lo cho ba tôi cái giấy tùy thân. Một tá điền cũ của gia đình, hiện giữ chức lý trưởng, đã xác nhận sự nhập cư đúng phép của ba tôi. Thêm vào đó với vốn liếng Pháp ngữ, ba tôi sớm gây được cảm tình của người Pháp. Chẳng mấy tuần sau, ông xin được giấy phép mở trường dạy học tư ngay tại gia.

Ở với quê nội chừng mười ngày, chị Kim Anh một hai đòi trở lên Tiên Phước. Ba tôi phải nhờ bác Hội Du, một người anh em thúc bá khác của ông, là một cán bộ Việt Minh, dẫn chị Kim Anh về với má và em Hân.

Hai ngày sau, khi chị tôi về trở lại với má tôi, ba tôi bắt đầu dạy học. Và trong vòng nửa tháng, tổng số học sinh có mặt suốt ngày tại nhà chúng tôi hơn một trăm em, chia làm hai buổi học. Học sinh không cùng tuổi, không cùng trình độ. Từ lớp mới bắt đầu vỡ lòng a, b, c đến lớp đã biết làm toán pháp, toán đố. Chúng được cha mẹ từ các làng Miêu Bông, Quá Giáng, Cổ Mân dẫn đến.Trong số này có đứa lai Pháp như thằng Robert, chị em Con Đỏ, Con Đen. Dĩ nhiên con em trong thôn quê nội tôi là chủ yếu. Học phí có đứa trả bằng tiền, có đứa trả bằng thóc gạo, hoặc cả cá tôm và mọi thứ dùng được cho cuộc sống con người.

https://i0.wp.com/images.yume.vn/blog/200902/05/11793761233800038.jpg

Cá lia thia

Tôi trở thành học sinh lớp cao nhất trong cái trường của ba tôi. Môn học chính của tôi lúc bấy giờ là Pháp văn mà chủ yếu là vocabulaire. Tôi thường học ngữ vựng Pháp với giọng ê a như học một bài học thuộc lòng. Lông (long) dài, Cua (court) ngắn, Lạt (large) rộng…cứ thế vang lên một góc phòng. Điều thú vị nhất là ngoài chuyện học, tôi còn phụ ba tôi làm một ông thầy con con. Viết chữ cho bọn nhỏ tập đồ, hay ra những bài toán cộng trừ nhân chia đơn giản là nghề của tôi. Với môn toán pháp, để khi chấm đỡ phải tính toán lại, trong toán cộng tôi thường ra bài làm với 5 hàng số ở hàng dọc. Hàng ngang không nhất thiết. Ba hàng dọc đầu, muốn dùng con số nào cũng được. Nhưng hai hàng dọc còn lại, các con số phải chọn cho phù hợp với một nguyên tắc. Cụ thể con số hàng thứ tư khi cộng với con số ở hàng thứ hai phải thành con số 9. Con số hàng thứ 5 khi cộng với con số hàng thứ ba cũng phải là số 9. Ví dụ hàng ngang số ở hàng số hai gồm: 4,3,2,8 thì ở hàng tư phải là 5,6,7,1. Tương tự, hàng thứ ba nếu là: 6,4,0,5 thì hàng số năm phải là 3,5,9,4. Với cách này, số thành biết được dễ dàng, như sau: trừ 2 ở con số cuối cùng tại hàng đầu; đem con số 2 mới trừ đặt trước những con số hàng ngang đầu; tất cả những con số còn lại được giữ nguyên. Ví dụ hàng đầu bài toán, phù hợp với những con số đã dẫn trên là: 3564. Số thành sẽ có chính xác: 23562. Mẹo vặt này, tôi học từ ba tôi.

Mặc dù làm ông thầy không danh xưng, uy tín tôi cũng trở nên ngon lành. Ngoài mấy đàn em ruột như thằng Tiên, thằng Chưởng (con chú Tham), con Thương, thằng Thiệu, thằng Tín…tôi còn có một đội ngũ đàn em thật hùng hậu đến mấy mươi đứa. Bọn nhỏ thường mang đến cho tôi nhiều quà. Đa số là các loại chim chúng bắt được, như sáo, nhồng, cà cưỡng, chào mào… Cá thì nhiều lắm, như cá rô, cá trầu, cá diếp, cá trê, cá ngạnh…tôi bỏ cả vào một cái hồ xi măng lớn, có đến sáu chân. Hồ này đã có từ lâu, được đặt trước một bình phong cũng bằng xi măng, gần hai lối tam cấp để bước lên véranda. Cá lia thia ở quê tôi cũng có nhưng rất ít, tôi chỉ được bọn nhỏ cho vài con. Và vì nuôi trong một cái chai chật hẹp, nên cá rất mau chết. Nhắc về cá tôi xin nói thêm: do ảnh hưởng của ba tôi không ăn được cá loại cá nước ngọt, nên mẹ tôi không bao giờ mua. Những thứ cá hay ăn chỉ quanh quẩn: cá Chuồn chiên, cá Nục hấp, cá Cơm kho, cá Thu sốt cà chua. Cá Ngừ chỉ thỉnh thoảng ăn với bún, vì mẹ cho rằng loại cá này độc, không nên ăn nhiều. Lâu lâu bọn nhỏ cũng mang cho tôi bánh Thuẫn, bánh Khô, bánh Nổ hay một nắm Xôi Gấc đỏ… nhưng phải ăn lén lút, mẹ tôi cấm. Bà sợ đám nhỏ lấy các món ăn này từ các gói bẹ chuối, mà người ta cúng xong, treo ở bờ bụi cho cô hồn, ăn vào tâm trí sẽ u ám, và có thể mất mạng.

Cũng từ đám bạn mới, tôi có thêm nhiều môn chơi thú vị. Đá bóng là môn tôi thích nhất. Nếu những trái bóng bằng cao su bị bể, chưa có đủ tiền mua lại, chúng tôi dùng trái bòng để đá, hoặc khéo léo vo tròn một nhúm rơm, rồi lấy giây bẹ chuối khô bện lại thay quả bóng. Banh tennis cũng thường được chúng tôi xử dụng. Sân chơi thường là sân gạch nhà tôi. Chính trên mặt sân này, tôi nhiều lần bị rách da, sứt móng. Sau đá bóng là đá kiện. Kiện thường được làm bởi hai đồng xu cùng một rẻo nhỏ vải, hoặc với chiếc lông gà. Môn này tôi thường vô địch, có thể đá vài ba trăm cái liên tiếp. Tôi không có địch thủ, nên mỗi lần chơi, tôi thường phải chấp hai ba đứa ở cùng một phe. U mọi cũng là môn tôi hay chơi, nhất là những đêm sáng trăng. Nhưng tôi kém về môn này, rất thường bị bắt làm tù binh. Chơi trốn tìm, đánh cờ gánh, đánh đáo xu, nhảy giây, đi tàu bay…tôi đều chơi tuốt. Một hôm, thằng Vinh bên chợ Miêu Bông mang cho tôi một cái ná bắn chim. Đây là món đồ chơi tôi thích đã từ lâu. Cái ná đã rủ tôi bước qua một giai đoạn có vẻ khôn lớn hơn.

Cùng với cái ná, tôi đã mở rộng phạm vi đi lại và quan sát làng quê nội. Khởi đầu là những mục tiêu gần mà tôi chưa đặt chân tới: vườn chuối sau lưng nhà ông nội, vườn mít nhà Bồi, những bờ tre vây quanh nhà bác Cửu Bốn… Tôi lần theo tiếng hót của Chào Mào, Chích Chòe…cũng chẳng bỏ qua những tiếng kêu không có gì hấp dẫn của Chất Quạch, Chèo Bẻo…Tôi biết thêm nhiều xóm trong làng với những tên gọi mộc mạc: Xóm Lưới, Xóm Đùng, Xóm Trong…Tôi tạt qua miếu, tôi ghé vào đình thản nhiên, lặng lẽ. Miếu nhỏ, tôi thường vui tay sờ cặp mắt sư tử bằng mảnh sành. Một đôi lần tôi cũng tinh nghịch lấy than, vẽ thêm vài sợi râu trên cái miệng rộng hoác, phơi cả răng của con sư tử. Đình làng tôi nằm bên một con đường không mấy rộng. Sân đình cũng khá hẹp. Tấm bình phong xây bằng gạch, đứng hàng ngang với hàng cây keo thay hàng rào. Tôi đã bước vào hiên đình một đôi lần. Trên những bức tường, có một số chữ viết cùng hình vẽ tục bằng than của đám nhỏ trong làng. Cây đa làng không đứng trong sân đình. Nó đứng cách xa vài ba trăm thước, trên một vạt đất trống rất rộng. Với nhiều rễ phụ, quay quần bên gốc chính, tạo cho cây đa vừa có thế đứng vững chắc vừa rất nghệ thuật. Nhánh cành tỏa rộng như một cái vòng tròn. Lá không to và sưa. Những con chim về đây hình như không để tìm mồi. Chúng cần một chỗ đứng hót cho thật thoải mái. Chúng cần một chỗ đứng rỉa lông. Có lần tôi bắt gặp một cặp Sáo Sậu đang đạp mái. Trời trong, nắng tốt, cành nhánh nào cũng có hương mặt trời, tỏa tận xuống những ông Bình Vôi sứt miệng, những ông Táo mẻ đầu nằm ngái ngủ dưới gốc với nhiều thứ lỉnh kỉnh khác.

Cùng với cái ná, tôi lặng lẽ xuống đến giáp ranh làng Cổ Mân. Tôi đi khắp xóm, khắp làng và sớm trở thành một tay sát điểu có hạng trong làng. Qua mặt được tôi may ra chỉ có thằng Triển, lớn hơn tôi vài ba tuổi.

Nhưng chẳng phải lúc nào tôi cũng vui vẻ, ham chơi. Vào ba, bảy buổi chiều, tôi một mình ra ngồi bên gốc duối, nằm gần cổng tre, nhìn về hướng làng Mân Quang. Tôi thấy đường chân trời, tôi thấy mây, tôi thấy cả những con chim bay buồn bã. Những lúc đó, tôi nhớ má, em Hân, chị Anh và cả đến những con gà tự túc, con ve, con đỉa, con vắt…ngày nào thân thiết trên núi đồi. Chân trời xanh và sâu, tôi đã biết thèm được bay như những con chim. Tôi lâng lâng cảm thấy mình đang bay xa như những đám mây trôi nhàn nhã. Trong không gian bát ngát lặng im của đồng quê, tôi chợt nghe những tiếng gọi, không rõ ràng, kỳ bí. Tôi dụi mắt.

Lính tây vẫn qua bố ráp làng tôi mỗi tháng vài lần. Một bữa, thằng Tín em đang giữ vịt ở gần vườn nhà anh bảy Quán. Hắn cầm ngang cây sào dài quơ qua, quơ lại, tức thì bị Tây bắt vì nghi hắn ra giấu cho du kích. Tín Em bị dẫn qua đồn Quá Giáng một buổi. Thật ra hôm đó có mặt cán bộ Việt Minh thật. Đó là anh sáu Cấn. Anh đang ngồi nói chuyện với ba tôi thì có tin Tây qua. Không còn kịp chạy xuống Đùng, qua sông Cái, anh Cấn đã theo máng xối đúc bằng xi măng, trèo lên mái nhà tôi và nằm im trên đó cho đến khi Tây rút. Anh Cấn không phải chỉ về làng hoạt động một lần. Anh về luôn và cũng thường ghé nhà tôi vào ban đêm. Nhiều lần tôi còn thức, tò mò ngồi bên ba tôi, nghe anh nói chuyện. Một hôm anh cao hứng đọc cho tôi chép mấy bài thơ, tôi học thuộc. Giờ vẫn còn nhớ đại khái, nhưng không rõ tác giả là ai:

Mấy mươi bầu gạo

kĩu kịt bên vai

mồ hôi từng giọt

lác đác đường dài

gánh đi đi mãi đi hoài

đù đưa đá nhảy

miệt mài khe hoa

truông dài núi rậm đường xa

sườn nghiêng lá kết mái nhà chênh vênh….

Bài thơ còn dài, ba tôi có xem và khen các câu đù đưa đá nhảy, miệt mài khe hoa cùng câu sườn nghiêng lá kết mái nhà chênh vênh. Theo ông, hai câu đầu nói lên cái động tác của một người gánh nặng đi trên đường rừng, đang từ tảng đá này, nhảy qua tảng đá khác làm hai bầu gạo đong đưa. Thơ như vậy là có hình ảnh sống động. Câu sườn nghiêng lá kết…tả cái cảnh hùng vĩ của núi rừng rất chính xác. Sau cái đêm tình cờ giảng thơ đó, ba tôi nảy ra cái ý dạy tôi làm thơ. Và tôi bắt đầu những bài tập làm văn vần của mình từ đề tài đầu tiên: viết thư thăm bạn, với các câu ngô nghê, đọc lại không thể không mỉm cười:

Trước hiên gió mát ngồi chơi

sực nhớ đến bạn ruột thời quặn đau

liền giấy bút lấy ra mau

nhớ thương một bức trước sau tỏ tường…

Với những câu vụng về như vậy, không ngờ lại cõng được tôi đi miết cùng thơ đến bây giờ.

Em yêu dấu, tôi thấy cũng cần chia với em một ít kỷ niệm vui vui. Những kỷ niệm này như một dấu hiệu báo trước những vớ vẩn của tôi sau này. Em đừng cười đấy nhé.

Làng tôi nằm giữa hai con sông. Con sông lớn có tên sông Cái, là biên giới giữa làng tôi và làng Mân Quang. Con sông chảy ra Tourane (Đà Nẵng) để tìm về biển. Với con sông này tôi không có nhiều kỷ niệm, ngoài những nỗi lo lắng khi phải qua đò.

Dòng sông thứ hai, là biên giới giữa làng tôi và làng Miêu Bông. Đây là một con sông nhỏ với kích thước bề ngang không đồng đều. Có chỗ hẹp như con đường nhựa, có chỗ phình ra gấp hai, gấp ba. Hai bên bờ sông dày đặc hoa cỏ dại. Dọc theo chiều dài, không xa nhau bao nhiêu, có đến ba cửa bến. Bến đò, bến lội và bến tắm. Bến đò và bến lội chỉ cách nhau chừng một trăm thước, nhưng độ sâu cạn chênh lệch nhau rất xa. Ngay ở bến lội cũng phải tùy thuộc lúc nước ròng mới có thể qua sông. Tuy chỉ một lần về, nhưng coi như em đã nhìn qua mặt mũi hai cái bến này.

Bến tắm nằm gần bến đò hơn, nhưng khoảng cách giữa hai bến cũng khá xa. Hình như tên bến tắm chỉ thành danh trong đám trẻ nhỏ. Dòng sông có vẻ như đi lạc sâu vào ruộng lúa trước khi quẹo trở ra. Điểm lạc này tạo thành một mặt hồ, với lưu lượng êm đềm. Lòng cạn. Đám trẻ nhỏ đã tìm ra nơi này rồi thường xuyên lên xuống để bơi lội. Cỏ mòn theo bước chân thành một cửa bến, không mấy khi có dấu chân người lớn, chẳng hiểu vì sao.

Tôi đã nhiều lần lén mẹ theo đám đàn em học trò đến đây vọc nước. Chuyện cấm kỵ đụng chạm đến sông hồ luôn luôn gây cho tôi cảm giác lo sợ và tôi đã vĩnh viễn trở thành một kẻ không biết bơi. Những lần gọi là tắm sông, tôi chỉ dám đi ra chỗ mặt nước vừa chấm lỗ rún. Rồi cứ đứng như vậy dùng tay khoát nước đùa giỡn. Cũng một đôi lúc bạo dạn, tôi bịt mũi và hụp mạnh đầu xuống nước trong một tích tắc. Những thằng bạn nhỏ của tôi thì bơi ra xa. Nhưng tôi không cô đơn. Bởi lần nào tôi tắm sông cũng có con Đỏ và con Đen tắm cùng. Đỏ, Đen là hai chị ruột con một me tây, trú ngụ gần bên đồn Quá Giáng. Đỏ, Đen có trong người dòng máu da trắng. Mẹ chúng quen với gia đình nhà thằng Vinh, nên gởi chúng theo Vinh qua học bên nhà ba tôi. Tôi và hai con bé chơi với nhau rất tự nhiên. Đã nhiều lần tồng ngồng bên nhau lên xuống bãi tắm, hoặc cùng ngâm mình dưới nước. Một hôm không hiểu vì lý do gì, khi từ mặt nước sâu ngang rún, lần đi vào bờ, cả hai chị em, đều xếp úp hai bàn tay, khum khum che cái gì dưới lỗ rún. Tôi tình cờ nhìn qua, rồi lại nhìn không tình cờ, cứ lặp đi lặp lại như vậy, nhưng mắt ra vẻ nghiêng nghiêng về đâu đâu. Từ đó chúng tôi đều không bỏ cái tật riêng của mình. Ngoài tắm sông, những buổi học chiều có mưa dông, chúng tôi đều được ba tôi cho phép tắm mưa. Đỏ và Đen lại vẫn theo bên tôi. Bốn bàn tay của hai chị em vẫn hờ hững khum khum. Lạ một điều, nhiều đêm ngủ thoáng giật mình cứ tưởng như mình đang tắm. Những giọt nước mưa và những vốc nước sông từ cái bến xa xưa mãi đến năm 1997 mới rả rích lại trong Cỏ Hoa Gối Đầu:

Nhớ xưa, hồi mới lên mười

chiều chiều mưa tạt hiên mời tắm mưa

chạy ra ngõ rạp tàu dừa

vuốt đầu, vuốt mặt, thì vừa gặp em

tóc tơ đã ướt chèm nhèm

hai bàn tay bụm cái thềm tinh hoa

em lên sáu, bảy, thôi mà

sao hai con mắt tôi đà xốn xang

mười năm sau trở về làng

mưa, chiều, tôi núp dưới hàng keo xanh

em không tắm nữa, đã đành

cõi xưa, nhìn trộm, để dành cho ai ?

bongtrang.jpgEm yêu dấu, vơ vẩn một chút cho vui, giờ trở lại kỷ niệm cùng em. Hẳn em còn nhớ ngày em ghé thăm quê nội tôi, em đã đứng rất lâu bên ba bụi bông trang, trồng sát nhau, thay cho tấm bình phong dựng trước sân nhà. Cây bông trang lá nhiều và rậm. Hoa gồm nhiều cánh mỏng, nhưng không đẹp như nhiều loại hoa khác. Không rõ vì sao ba tôi đã chọn chúng để làm dàn chào đón khách. Ba cây bông trang này có tuổi thọ ngang với tuổi tôi, ngang với ngôi nhà. Em nhìn lên đi, hàng chữ số 1941, kỷ niệm năm xây cất vẫn còn đứng chỉnh tề trên nóc nhà đó. Thời gian đi qua, chỉ để lại những dấu chân kỷ niệm.Giây phút tôi cùng em đứng bên bụi hoa cũng đã tức thì trở thành kỷ niệm, khi em thả bước trên sân gạch, im nghe tôi tiếp tục vô duyên .

Ngôi nhà của ba tôi có ma. Những con ma thường trú trên plafond. Đêm nào cũng chơi trò cút bắt, đuổi nhau chạy rần rần, làm tôi ớn lạnh nổi da gà. Những con ma ngồi bó gối nhớ đời, xếp dài hàng dọc trên đầu tường rào . Tôi và đám trẻ con trong làng đã tháo mồ hôi mà rình xem vào những đêm trăng. Đám trẻ con đêm nào cũng đến ngủ nhờ, để tránh pháo đạn từ đồn Quá Giáng, nhiều khi đi lạc tọa độ. Một tọa độ vô cùng vu vơ. Đã một vài lần ruộng làng tôi trở thành một toạ độ như thế. Trong đám trẻ con ấy, tôi nhớ nhất là Lữ, chuyên viên đái dầm, và Thoại móm, anh của Lữ. Cả hai nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng tôi phải gọi là anh, vì con ông bác thúc bá. Bác Hội Du.

Rõ ràng chuyện kể chẳng ăn nhập gì đến cái tình đã lấp ló trong tôi. Em hồn nhiên hay chỉ vờ hồn nhiên để chúng ta càng ngày càng xa lạ. Có cả chục bài thơ tôi đã chạy nhật trình, để khôn khéo tỏ tình mà chắc gì em biết. Nhưng cũng xin cảm ơn em đã về đây một lần, đã cùng tôi bước những bước vu vơ. Tôi bước trước, em bước sau, có khi cách nhau đến vài bước. Em mắc cở với giòng thuỷ lợi ? Em mắc cở với dấu chân trâu ? Con chiền chiện vừa bay vừa hót vừa ngó em. Trời xanh man mác. Con chào mào vụt bay ra, khi chúng ta đi ngang một gốc mít. Cuộc sống thanh bình trải theo những ngọn khói rơm, bịn rịn không dám bay xa. Chúng ta vừa bước qua một vạt đất ướt. Tôi chỉ tay. Những đám ruộng lúa ba trăng trước mặt, một phần rất nhỏ, thuộc sở hữu của riêng tôi. Những tờ trích lục dày như những tấm bìa, đựng đầy chữ nho, chữ Pháp lẫn quốc ngữ. Tên tôi nằm trong đó, im lặng miết cho đến ngày bị cưỡng đoạt. Tôi bứng tôi ra khỏi những tờ trích lục dễ dàng. Nhưng dễ gì bứng khỏi một mùi thơm, mà một người làm thơ đàn anh đã gọi là hương đồng phấn nội. Riêng tôi quá nghèo chất liệu về một nơi mà ông bà nội tôi dựng đời, dựng nghiệp. Tìm kiếm mãi trong lòng vẫn không có gì khác hơn những hình ảnh chung chung. Những con cóc từ một hốc tường nhảy ra sân gạch vào những khi trời chớm mưa. Những con bù rấy ướt mềm sương sớm. Những bè chuối thả chơi trong mùa mưa lụt. Những cái lờ, cái nơm đầu hè nhà hàng xóm… Và đâu đó có tiếng heo trẫn mở, có tiếng gà cục tác, có tiếng ru em dài ngoằng những than thở, có tiếng chửi nhau độc địa, nhưng ấm áp thân thiết vô cùng. Tất cả, giờ đã xa. Kể cả em, người con gái đã dạy cho tôi những bài học vỡ lòng về một thứ tình tuyệt vời. Em đã đọc thấy chưa những câu phách lối, ngậm ngùi này:

Em đã về đây thăm một bận

tưởng rằng tiếp tục đến ngàn sau

dè đâu sân gạch và cây mít

không giữ được giùm ta với nhau

đứng dựa gốc cau nhìn mây nổi

nhìn đàn chột dột gió đu đưa

cau đang mùa trổ từng cụm nhỏ

hương mỏng mênh mông trắng gió đùa

tôi chạnh nhớ em ? không chắc lắm

như tuồng lòng có chút nao nao

chiếc răng khểnh ấy sao mà bén

cắn nát lòng tôi tự thuở nào

muốn khóc đấy ư sao chẳng khóc

tuyệt vời thay nước mắt con trai !

vô hình dung giọt theo tim đập

trầm nhẹ, sâu hơn tiếng thở dài

em gả về mô rồi Đại Lộc ?

không thèm khăn gói đến Hòa Vang

tôi công tử bột làng Liêm Lạc,

chẳng nhớ mô nghe, chỉ bàng hoàng

(CƠĐĐTT).

Em yêu dấu, em có biết, năm 2002, tôi có về thăm quê nội tôi. Vùng đất cội nguồn tôi bây giờ về mặt hành chánh, đã sát nhập vào thành phố Đà Nẵng. Thịt da vẫn ngần đó, nhưng có vẻ tươi mát hơn chút đỉnh. Hai dòng sông ở hai bên đầu làng vẫn còn chảy đều. Nhưng con đò qua Miêu Bông không còn nữa. Cô Dung lái đò, tên đẹp thay người, một đời lận đận đã khép lại bình an. Cây cầu trên bến lội ngày xưa vẫn vóc dáng cũ, nhưng cùng với con đường được mở rộng, có vẻ như mới ra. Những cây trụ khẳng khiu, đỡ không mấy thẳng những đường dây điện.

Tôi về làng nội với hai bàn tay rỗng. Quần áo lôi thôi vì trời quá nóng. Chân mang giày mòn gót, đầu đội mũ bạc màu, chẳng phải cố tình bi thảm hoá. Tôi bước lên mặt sân. Tôi bước lên thềm nhà. Tôi bước qua ngưỡng cửa. Ném cái mũ lên bàn. Muốn tháo ngay đôi giày nhưng khựng lại. Trời tháng tám, tưng bừng nắng, mà tôi cứ ngỡ như đang mưa dông. Tôi nhìn ra chỗ mình thường tắm. Giờ này tôi mới thấy, bốn bức tường rào đã ngã đi đâu. Một vài hàng hoa thay chỗ đang nở đẹp, nhưng lỏng lẻo làm sao. Tôi thắp hương lên bàn thờ cha mẹ. Nhìn những nét mặt thân thuộc, cảm thấy như gặp những hơi thở.

Hình ảnh chân dung trên giấy đâu có gì khác nhau. Những tấm hình này đâu có xa tôi trong những tháng năm lưu lạc. Nhưng rõ ràng có một chút gì đó, thân mật hơn, ấm áp hơn. Mùi thân tình từ nền nhà xông lên, từ mái ngói, từ plafond toả xuống, từ cửa sổ, từ vách tường bung ra, đậm đặc mến yêu. Dù không áo thụng khăn đóng, cà vạt veston, tôi cũng được bà con, thân thuộc tôi tiếp đón chân tình. Những anh chị em ruột thịt, đang ở bên tôi. Anh Lê Ngọc Hiển, chị Lê Thị Kim Anh, các em Lê Hoàng, Lê Quốc Hùng, Lê Phước Hưng cùng đông đảo các cháu. Tất cả đều nhắc chừng tôi nhiều điều mà tôi vẫn nhớ rất rõ.

Nhà ông nội tôi đã sáng sủa hơn xưa do có tu bổ để trở thành nhà thờ Lê Học. Tôi thắp trên mỗi bàn thờ một cây hương. Chợt thẹn với điều kỳ vọng của chú Diên về chuyện gia phả. Trời nóng như lửa đốt. Tôi mở nút áo, phơi trần cái bụng thiếu thẩm mỹ, hối hả cùng mọi người thân ra thăm mộ.

Sống cái nhà, chết cái mồ. Vấn đề mồ mả này từng làm tôi một thời đau đầu, mất bình tĩnh. Ngày đó, sau 29 tháng 3 năm 1975. Bác Hội Du, cán bộ Cộng sản, còn sống trở về làng. Con bác, anh Thoại móm, từng sang học bên “Liên Xô Vĩ Đại” cũng cùng về. Chẳng biết vì muốn lập công đầu hay không, mà bác Du đề ngay ra chuyện quy hoạch mồ mả và cho thực hiện sớm hơn những địa phương khác. Ba mẹ tôi bấy giờ hãy còn sống. Người trực tiếp sinh ra tôi thì đã nằm dưới mồ yên. Không thể làm gì hơn, tôi thuê người bốc mộ má, hoả táng một ít xương còn sót và mang tro về thành phố Đà Nẵng, không xin ý kiến của ba tôi. Một thời gian sau, nhờ người quen, tôi xin đất cải táng người mẹ đẻ mình trên đồi Phú Thượng Hòa Sơn đến bây giờ. Năm 1979, ba tôi qua đời tại Đà Nẵng. Anh chín Hiển tôi về làng lập thủ tục an táng. Làng từ chối với lý do, ba tôi đã mất gốc, ông đã bỏ làng mà đi quá lâu. Trước tin này, tôi bức xúc, khó chịu và chạy đi lo đất để chôn ba tôi bên mộ má. Nhưng anh Hiển không bằng lòng. Anh không năn nỉ, nhưng cứng rắn đưa lý lẽ với chính quyền địa phương để thể xác ba chúng tôi phải được về nằm trong lòng đất làng Liêm Lạc. Ruộng vườn ba tôi tạo ra vẫn còn đó, dù bây giờ tự dưng có nghiệp chủ mới. Trong cái bực mình về chuyện này, tôi cũng đã nóng giận muốn từ chối hẳn cái quê nội thân yêu của mình. Anh chín Hiển khuyên ngăn, tôi mới nguôi ngoai. Năm 1985, chỉ một tuần sau tôi ra đi, mẹ tôi qua đời, bà được an nghỉ bên cạnh ba tôi. Không rõ chính quyền có gây khó dễ.

Mười tám năm xa cách, bây giờ đứng trước mồ mả của những thân yêu, thật tình tôi chẳng có một xúc cảm nào đặc biệt. Lòng cứ như trống rỗng. Buồn, không buồn. Nhớ, chẳng nhớ. Chỉ thoáng một chút băn khoăn, cỏ dại ở đây sao mọc nhiều quá. Lý bấm máy ghi lại một số hình, rồi chúng tôi trở vào nhà. Trên đường đi, tôi thoáng nghĩ, không biết khi mình chết, xác có chôn nơi này ?

Tôi ghé qua thăm nhà chú Diên. Chú đã qua đời vào năm 1976. Chú là người giàu nhất trong các người con của ông nội tôi. Từ cai thợ hồ, chú trở thành nhà thầu xây cất, và bán vật liệu xây dựng như sắt thép, gạch đá… Bất động sản của chú rải rác nhiều nơi trong hai thành phố Đà Nẵng, Sài Gòn. Không rõ có phải vì mất nhiều thùng đạn đựng vàng, chôn dưới một nền nhà bị trưng dụng, làm chú sinh bệnh qua đời hay không ? Số gia tài chú để lại vẫn rất đáng kể, Mỗi đứa con một ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Tiên là con đầu của chú, một đàn em thân cận bên tôi một thời, tốt nghiệp và hành nghề dược sĩ trước 1975. Hiện nay, chú ấy cùng vợ, cũng là dược sĩ, đang giữ được nghề cũ tại Đà Nẵng và Sài Gòn. Sau chú Diên, đến lượt các chú Tham, chú cửu Tiền, chú Sô đều đã theo ông nội tôi. Một thế hệ của dòng họ Lê Học tại Liêm Lạc đã kết thúc hoàn toàn.

Sau khi viếng thăm hai bà con gái con chú Hương Doanh. Chúng tôi vội vã trở về Đà Nẵng. Chuyến về thăm quê nội sau 18 năm xa cách của tôi không quá hai giờ đồng hồ. Sự nghèo túng của gia đình cháu Thiệu làm tôi áy náy bởi những bất lực của mình. Những dự định sẽ lang thang thăm lại nhiều nơi, chợt tắt ngúm trong lòng. Ngồi sau yên xe gắn máy do em Hoàng chở, tôi không dám nhìn loanh quanh. Tôi cảm thấy mình thiếu nợ với tất cả. Khi Hoàng cho xe thẳng về hướng Cổ Mân theo một con đường mới mở rộng, tôi úp mặt vào lưng đứa em trai cùng cha khác mẹ, cũng có nhiều không may, mà ứa nước mắt. Tôi tự hẹn với lòng sẽ phải về quê nội một lần nữa, nhưng biết đến bao giờ đây ? Những ngày ở Montréal, mỗi khi nhớ về quê nội, tôi nhắm mắt, đặt tay lên bàn, đã như chạm phải thịt da của con đất giàu liêm khiết, lạc quan ấy. Sao bây giờ, ngay trên đất cội nguồn mình lại cảm thấy lạc lõng, lạnh lùng.

Em yêu dấu, bây giờ Montréal bắt đầu vào mùa lạnh. Tôi kéo rộng cánh màn cửa, từ bàn viết tôi nhìn ra đường Charleroi, con đường cắt ngang đường Armand Lavergne dẫn vào nhà tôi, đang trôi nổi những dòng xe xuôi ngược. Cuộc sống vẫn náo nức níu đuổi nhau sinh động, nhịp nhàng. Còn tôi, ngày qua ngày vẫn cúi đầu trên bàn viết này với những công việc không đâu. Nhớ và vẽ lại những miền đất cũ, những khuôn mặt xưa, bằng những con chữ có là một cuộc chơi cuối đời cần thiết cho riêng tôi ?

Năm sau nhé, hoặc năm sau nữa nhé. Tôi sẽ về thăm Việt Nam. Tôi sẽ về thăm quê nội. Quê nội tôi đang được đổi tên là Hòa Xuân. Thịt da của đất đá chắc phải tươi mát hơn. Xin đất nhớ dành cho tôi một chỗ, vừa đủ để một quan tài. Tôi sẽ cố làm một “chiếc lá rụng về cội”.

.

Luân Hoán

Trần Lê Túy Phượng chuyển bài

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: