Dù bạn làm nghề gì, mỗi ngày trong đời bạn thường gặp gỡ, tiếp xúc, với một vài hay nhiều người khác. Dù chỉ là những trò chuyện ngắn, một vài câu chào, han hỏi, đối đáp với bạn hay trả lời thầy cô, sếp của mình, bạn đã thể hiện một chút hay khá nhiều con người của bạn qua tiếng nói và giọng điệu của bạn.
Giả sử là một ngày không có ai bạn chỉ có một mình, cả nhà đi vắng, và bạn chỉ trò chuyện qua điện thoại, hay giao tiếp với tác giả qua trang web, bạn cũng đã nói lên tiếng nói của mình khi bạn gửi nhận xét, phản hồi trên bài viết. Tất nhiên, không phải lúc nào bạn hay người nói cũng thể hiện con người thực nhất của mình hoặc giả bạn đang nói thật, một phần hay toàn bộ sự thực vì những lý do tế nhị khác nhau. Ngoài những câu chào hỏi, có thể bạn thuộc kiểu người không muốn nói nhiều, hay chỉ im lặng. Có thể bạn chỉ nói với những người bạn thân thiết và tin cậy….. Hay bạn muốn tránh làm tổn thương người khác nên không muốn nói ra suy nghĩ thực của mình dù bạn rất bực mình và không tán thành ý kiến hay hành vi của người ấy. Cũng có thể bạn thuộc kiểu người bộc trực hay có chút tính cách của Trương Phi, bạn sẽ phản ứng ngay. Nếu bạn đủ khôn ngoan bạn sẽ lựa lời mà nói có khi không phải ngay tức thì mà lựa lúc thích hợp, lời của bạn sẽ dễ nghe, dễ được chấp nhận hơn.
Như vậy trong cả hai trường hợp bạn đều có lý do và có phần tích cực. Nhưng trong giao tiếp đáng ngại là những người không bao giờ nói thực những suy nghĩ của mình. Họ luôn nói những lời có cánh, ca ngợi người khác, làm ra vẻ khiêm tốn hạ thấp bản thân mình, trong khi trong lòng họ suy nghĩ khác. Và sợ nhất là những người khẩu Phật tâm xà.
Vậy trong giao tiếp chúng ta nên có thái độ như thế nào:
Trước hết chúng ta cần học cách lắng nghe. Lắng nghe như thế nào? Tác giả Đào Văn Bình đã luận về sự nghe rất hay :
“Nghe là sự vận hành tự nhiên của một cơ thể bình thường. Thế nhưng sự vận hành này tuy tự nhiên nhưng không phải hoàn toàn phóng túng, bừa bãi, vô tổ chức… mà có chọn lọc. Chúng ta có thể ví lỗ tai (nhĩ căn) của chúng ta giống như một chú lính. Khi nhận được một tín hiệu, một thông điệp, một tin tức nào… thì chú vội vàng báo ngay cho chủ tướng của mình – không ai khác hơn là chính ta. Mà cái ta này chính là cái tôi hay cái ngã do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý kết hợp lại mà thành.
Khi một “tin tức” tốt được “báo cáo” thì vị chủ nhân hân hoan nói, “Được, chú tiếp tục nói đi”. Lúc đó vị “chủ tướng” tức cái ngã, lim rim tận hưởng khoái cảm của những lời tán tụng, những lời du dương, những lời ngon ngọt gửi tới. Thật sướng lỗ tai!
Thế nhưng khi gặp những “tin tức” khó chịu, một lời nói bất ưng được báo vào thì “chủ tướng” lập tức nổi giận, quát tháo ầm ĩ, “Cút đi! Ta không muốn nghe nữa!”. Thật tội nghiệp cho chú lính. Chú chạy biến ra ngoài, ngồi xuống rầu rĩ bịt kín lỗ tai lại. Trong khi đó thì “ông tướng” có thể vẫn tiếp tục nổi trận lôi đình, chửi bới rân trời và chú lính (miệng) cũng bị vạ lây.
Nghe lời nói ngon ngọt thì dễ, nhưng nghe, hoặc lắng nghe lời nói trái tai thì thật khó khăn…”
Nếu không biết lắng nghe chúng ta không thể hiểu được nỗi lòng, nỗi khổ của người khác. Và không hiểu biết sẽ không có cảm thông. Và không có cảm thông thực sự làm sao an ủi, giúp đỡ? Nhiều khi chúng ta không cần làm gì khác, chỉ cần lắng nghe một cách chân thành, hiểu biết, là đã giúp người tâm sự vơi đi nỗi khổ.
Biết lắng nghe cũng là một hạnh nguyện của Người Phật tử, bởi tinh túy của đạo Phật là ở hạnh từ bi. “Từ bi là xót thương, là cứu độ, là không làm người khác khổ, là cảm thông và biết lắng nghe.”
Bạn ơi, trong bao nhiêu điều có thể nói về đạo Phật, chỉ xin bạn nhớ cho “Đạo Phật là đạo của những người biết lắng nghe.”Đây là câu kết trong bài Hạnh Nguyện Lắng Nghe rất hay của tác giả Đào Văn Bình .
Câu chuyện sau đây cho ta thấy rằng tai thính không đồng nghĩa với biết lắng nghe
Jed Harris là một nghệ sĩ người Mỹ rất nổi tiếng. Không biết vì lý do gì làm ông có mặc cảm là mình bị điếc. Harris cho người đi mời một bác sĩ giỏi nhất chuyên về bệnh tai để khám bệnh cho ông. Sau một hồi lâu khám bệnh thật kỹ càng, bác sĩ lấy trong hộp đồ nghề ra một cái đống hồ quả quýt nhỏ bằng vàng. Bác sĩ hỏi:
– Ông có nghe thấy tiếng tích tắc của đồng hồ không ?
Ông Harris trả lời:
– Dĩ nhiên là tôi nghe rõ tiếng kêu tích tắc của nó.
Bác sĩ bước thêm mấy bước ra tới cửa, tay giơ đồng hồ lên và hỏi:
– Ông còn nghe tiếng đồng hồ tích tắc nữa không ?
Ông Harris cầm trí một lúc rồi nói:
– Có, tôi vẫn còn nghe rõ tiếng tích tắc của đồng hồ.
Bác sĩ vẫn cầm đồng hồ trên tay bước ra khỏi cửa vào phòng bên cạnh và quay lại hỏi:
– Bây giờ ông còn nghe thấy gì nữa chăng?
– Có, tôi vẫn còn có thể nghe tiếng tích tắc của đồng hồ quả quýt vàng nơi tay bác sĩ.
Và bác sĩ mỉm cười kết luận:
– Này ông Harris, thực ra không có vấn đề gì với tai ông cả. Chỉ có vấn đề là ông không muốn nghe mà thôi !
Trong những trường hợp khác nếu ta là người nói phải diễn đạt nỗi lòng của mình thì sao? Dù bạn nói gì đi nữa thì nguyên tắc chủ đạo là bạn nên và phải thành thực. Người biết lắng nghe thường có thể chấp nhận sự vụng về lung túng trong lời ăn tiếng nói cách diễn đạt của người nói miễn là họ thấy sự chân thành của người nói.
Một số người cả tin có thể bị lừa bởi những lời kể lể, kêu van gợi lòng thương giả dối. Nhưng sự thực chẳng chóng thì chầy cũng bị phát hiện. Thường thì khi bạn nói bạn đã thể hiện một phần con người bạn qua cách nói và giọng nói: cao độ, giọng nói, bỗng trầm, mạnh hay nhẹ, to hay nhỏ……. Người biết lắng nghe do luyện tập và nhiều kinh nghiệm nhạy bén thường có thể nhận biết sự chân thành hay giả đối của người đối thoại.
Người viết bài này cũng không phải chỉ một lần ân hận vì mình đã không kịp thời lắng nghe nỗi lòng của người khác. Và khi đã muộn thì sự giúp đỡ, động viên, khích lệ không được hiệu lực như mình mong muốn nữa.
Vậy nên trước hết xin bạn hãy biết lắng nghe với tâm chân thành và thông cảm. Tùy khả năng mà ta tiếp tực chọn lựạ cách hành xử tiếp theo để đáp lại tâm sự người ta ký thác và trông cậy ở ta.
Và khi ta phải nói, ta có thể chọn đối tượng và cách nói, mức độ tin cậy và phó thác. Bởi vì không phải ai cũng là người biết lắng nghe nên chúng ta cũng chỉ có thể mở hết lòng mình ra với những người mà ta tin cậy ….
Nguyên tắc vàng của những cuộc giao tiếp là chân thành, cởi mở và kiên nhẫn cả ở người nói và người nghe. Kiên nhẫn để nghe người ta nói hết và không nghe với tâm phân biệt.
Bạn hãy là người biết lắng nghe và thể hiện mình trung thực.
.
Huỳnh Huệ
Tham khảo :
Hạnh Nguyện Lắng Nghe, Đào Văn Bình
Nguồn Giác Ngộ online,
Filed under: Kỹ năng sống | Tagged: Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng sống, Tâm Hồn, Tâm hồn, Tản mạn, Tản mạn, Truyện hài, Văn hoá |
Cô ơi .
Tấm lòng cô thật rộng.Đọc bài của cô bao giờ em cũng tìm thấy những lời khuyên chí tình .Em cảm ơn cô nhiều lắm
ThíchThích
Cảm ơn cô đã cho em những lời khuyên khi giao tiếp thật là bổ ích. Em sẽ cố gắng tạo cho mình một đôi tai biết lắng nghe người khác.
ThíchThích
Không biết lắng nghe là một khuyết điểm sẽ mang nhiều bất lợi cho chính mình !
Không trung thực là một bản tính chắc chắn sẽ làm cho mình vong thân !
Cám ơn em cho một bài thực sự bổ ích. 🙂
ThíchThích
@ Chào Chị Phượng.
Cũng là em tự nhắc mình phải biết lắng nghe, nhưng rồi sau đó cũng biết gạn đục khơi trong vì trong đời em cũng đôi lần rất ngờ nghệch, cả tin vào những lời than vãn của người ta mà lầm. Nhưng cũng không ân hận vì mình cũng được một bài học : Lắng nghe hết, nhưng cũng chớ vội tin hết. Nhưng thực lòng em cũng không quen giao tiếp với người bằng sự đa nghi.
Coi như mình không may nên trong hàng trăm người mình biết mới gặp một người gian dối?
Còn hơn cứ phải nhìn đời sau lớp kính đen thì hơi buồn chị ạ. 😛
@ Trường Thành
Nếu em đọc thấy cái gì đó về giao tiếp trong bài này : đó là cô giật mình thấy có một dạo cô chưa thực sự lắng nghe học trò, và con bé nhà cô những năm đầu làm người lớn: thực ra học trò và con bé đều con nít lắm.
@ Nguyệt Linh:
Em hiểu được tâm tình của cô trong bài này là hay lắm.
Cảm ơn Em
😛
ThíchThích