• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 1 092 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 1 092 other subscribers

Đồng Tháp – Nghĩa Tình Nam Bộ

Đồng Tháp là một tỉnh nằm ở miềnTây Nam bộ  có nền nông nghiệp phát triển, là vựa  lúa lớn thứ ba của Việt Nam, là tỉnh có chỉ số tăng trưởng GDP  cao và chỉ số về cạnh tranh kinh tế đứng thứ 1 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 4 cả nước trong năm 2009. Mời đọc tiếp để biết thêm về một Đồng Tháp sâu nặng nghĩa tình Nam bộ.

Đồng Tháp, có thành phố Cao Lãnh cách Sài Gòn 162Km

Tên Đồng Tháp gợi nhớ những cánh đồng cò bay thẳng cánh, đây là vùng trũng của đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có mùa nước nổi. Lúc ấy, ruộng đồng bao la như biển, cuộc sống tưởng khó khăn, cơ cực, vất vả khôn lường. Do vậy, Đồng Tháp được khẩn hoang sau so với các nơi ở Nam Bộ.


Nhờ có nhiều đầm lầy, và ngập nước quanh năm, nên Đồng Tháp là nơi trồng nhiều sen nhất nước. Sen Đồng Tháp thơm ngọt và có quanh năm, được sử dụng toàn bộ từ rễ; củ; ngó; gương; lá.

Đồng Tháp còn có loài sen thật lớn đường kính lá từ 1-2m, có thể chứa người trên đó, bông sen này lại đổi màu từ trắng, hồng, đỏ rồi tím ứng với sáng trưa chiều tối.

Công cuộc khẩn hoang ở Đồng Tháp và cả Nam Bộ là cuộc tiến quân thanh bình nhất trên thế giới. Do điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, nên đến vùng đất này, người dân phải biết ràng buộc, liên kết, cùng chèo chống vượt qua mọi khó khăn. Chòm xóm phải ở gần nhau, gắn bó với nhau để việc sản xuất đạt hiệu quả, không thể tự làm một mình, chim thú, côn trùng… có thể tàn phá mùa màng trong chốc lát. Từ đó, sản sinh nhiều con người coi trọng tình nghĩa, có khí tiết, đậm nét dũng cảm, can trường, trọng nghĩa khí.

Trong nước có nhiều tên danh nhân lịch sử văn hoá để đặt cho các địa danh, riêng Cao Lãnh, là tên của một dân thường, sống rất nghĩa tình đầy lòng bác ái, dám lấy mạng sống của mình để cầu cho bá tánh được an ổn, đó là ông bà Câu Lãnh.

Ông tên thật là Đỗ Công Tường, tục danh Lãnh, quê quán ở miền trung, không biết chính xác là tỉnh nào, kể cả năm sinh cũng không rõ. Ông bà vào Nam, dừng chân ở Mỹ Trà, xây dựng vườn quýt khá nổi tiếng, dân chúng trong vùng thường đến vườn quýt của ông trao đổi mua bán, từ đó ông lập ra chợ để đồng bào thuận tiện thông thương hàng hoá. Bà con bầu ông giữ chức Câu Đương, như người phụ trách giải quyết tranh chấp kiện tụng ở trong làng. Ông bà lại không có con, nên rất gần gũi với mọi người, chia sẻ với nhau niềm vui của tình làng nghĩa xóm.

Tháng 10 âm lịch năm 1820, trận đại dịch tả bỗng ập tới làng, bà con chòm xóm, trong phút chốc chết lẹ không dừng, tiếng mỏ cầu cứu vang lên inh ỏi suốt đêm ngày. Thương dân làng, ông bà lập bàn hương án nguyện ăn chay, cầu xin được chết thay để đồng bào thoát cơn đại dịch.

Ông bà khấn nguyện từ ngày mồng 6, đến ngày mồng 9, bà chết trước, tẩn liệm bà xong, ngày mồng 10 ông cũng chết vì bệnh dịch. Chôn cất ông bà xong, cơn đại dịch cũng từ từ chấm dứt. Dân làng ghi nhớ ơn nghĩa của ông bà và lập miếu thờ. Từ đó người ta gọi chợ của ông là Câu Lãnh, đọc trại thành Cao lãnh, ngày nay là tên thành phố thuộc Đồng Tháp. Con người coi mạng sống là quan trọng, vậy mà ông bà, vì yêu thương con người, lại dám đem sinh mạng của mình cầu chết thay cho nhơn dân, ở đây ông bà đã trở thành Thần từ đó chứ không đợi đến vua phong.

Mãi đến 1936, dưới thời Bảo Đại, sắc phong thần Thành Hoàng cho ông mới được ban bố.

Đồng Tháp, còn nhiều hình ảnh đầy nghĩa tình như Thiên Hộ Vương, Đốc Binh Kiều… từ nơi xa xôi về lập chiến khu chống Pháp, được người dân hưởng ứng và giúp đở nhiệt tình, khi hy sinh dân tự lập miếu thờ, tường nhớ mến mộ công đức không quên. Cụ Nguyễn Sinh Sắc thân sinh của Bác Hồ cũng về đây dạy học, làm thầy thuốc, lo tu hành cứu độ chúng sanh và cũng mất tại Cao Lãnh, mô phần của cụ giờ là di tích lịch sử rất hoành tráng tại Đồng Tháp.

Đồng Tháp còn có nhà bác vật nổi tiếng Lưu văn Lang, ông là kỹ sư bá nghệ đầu tiên của Việt Nam và toàn cõi Đông Dương, ông tốt nghiệp loại ưu tại Pháp.Về nước, vua Bảo Đại mời làm bộ trưởng Công Chánh, trong chính phủ bù nhìn do Nhật dựng lên, ông khéo chối từ. Đến khi Pháp trở lại xâm chiếm Miền Nam, mời ông ra làm Hội đồng tư vấn chính phủ để chia rẽ người Việt, lần này ông nói thẳng: ”Je suis trop vieux pour servir de valet!” (Tôi đã quá già để làm tay sai!). Cho đến khi mất (1969), ông vẫn đứng về phía nhân dân với khí phách anh hùng nghĩa hiệp của người Nam Bộ.

Tại Sa Đéc thuộc Đồng Tháp, có một tượng đài thật lạ, tưởng nhớ những bà con Việt Kiều Thái-Lào trở về xứ, lập ra một binh đoàn hải ngoại chống Pháp! Nghĩa khí Nam Bộ luôn luôn ẩn hiện trên từng mảnh đất, là những câu chuyện có thật.

Sa Đéc còn có câu chuyện tình mãnh liệt, đến nổi được dựng thành bộ phim “Người Tình” do người Pháp dàn dựng. Phim hay dở tùy người xem, nhưng hiện nay ai đến thăm nhà ông Huỳnh Thủy Lê, nguyên mẫu của “người tình” phải trả phí vào cửa 15.000 đồng, dân xung quanh chẳng thèm “dô”, có gì đâu mà “dô”.

Đồng Tháp có nhiều khu du lịch sinh thái với rừng tràm dầy đặc, quanh năm sông nước ngập tràn, đẹp nhất vào mùa nước nổi, cảnh quan thật thanh bình, êm ả như Xẻo Quýt, Gáo Giồng, Tràm Chim Tam Nông. Gò Tháp…

Xẻo Quýt xưa kia là khu kháng chiến của Tỉnh ủy Kiến Phong, giờ vẫn còn lưu dấu. Đến thăm để hít thở không khí trong lành của một khu rừng nguyên sinh, có nhiều cánh đồng sen thật đẹp, ngồi trên xuồng ba lá để thưởng thức cuộc sống sông nước của dân Nam Bộ.

Đến Gáo Giồng, Tràm Chim để nhìn tận mắt rừng tràm ngút ngàn, bao la bát ngát, chim cò lượn lờ, bay đầy một vùng trời khi chiều xuống, thấy lòng vui thú lạ thường. Cuộc sống vùng quê Nam Bộ sao quá thân thương và tuyệt vời như vậy.


Do khẩn hoang sau, nên người đến Đồng Tháp đa phần là dân tộc Việt (Kinh), chiếm đên 99,8% dân số. Mùa nước nổi, tưởng khó khăn cách trở, lại là mùa tôm cá đầy ghe, nghèo mấy cũng không đói khát, vất vả nhưng ấm tình, cuộc sống tinh thần rất hào phóng và thanh thản, những câu ca dao còn để lại đã thể hiện một giọng điệu hết sức mộc mạc, bộc trực, thẳng thắn, thật thà, làm chơi ăn thiệt, nói chơi làm thiệt:

Bên dưới có sông, bên trên có chợ
Hai đứa mình kết vợ chồng nghen.
Ừ hén!Chồng chèo thì vợ cũng chèo
Hai đứa cùng nghèo lại đụng với nhau.

Người Nam bộ thường có sao nói vậy, nghĩ gì nói nấy, tưởng nghèo nàn chữ nghĩa thiếu văn chương, nhưng dần dà cũng hấp dẫn, phong phú và sâu lắng. Mới đầu chỉ là khẩu ngữ, riết rồi đi vào văn học nghệ thuật một cách rất đàng hoàng

Vắng cơm ba bữa còn no

Vắng em một bữa giở giò không lên

Trời mưa cóc nhái chết sầuỄnh ương đi cưới nhái bầu không ưng

Chàng hiu đứng dựa sau lưng

Khều khều móc móc cứ ưng cho rồi.

Nam bộ là vùng sông nước, hình ảnh chiếc ghe, con đò, cầu tre, hay những dụng cụ đăng, đó, lờ, lợp, nom…đã trở thành quen thuộc hàng ngày, với cuộc sống bình dị mộc mạc, nói chuyện hồn nhiên về từ ngữ, không dụng công, tạo nên những nét rất hóm hỉnh, ngộ nghĩnh đầy tình nghĩa:

Ghe lui khỏi vịnh, em thọ bịnh liền,

Không tin anh hỏi xóm giềng mà coi

Thân em như cá trong lờ
Hết phương vùng vẫy không biết nhờ nơi đâu

Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi,
Kẻo giông khói đèn bờ bụi tối tăm.

Anh thương em ruột thắt gan bào,
Biết em có thương lại chút nào hay không?

Tuy mộc mạc trong tỏ tình yêu thương, không biết dùng những mỹ từ êm đẹp, nhưng người Nam Bộ không có cái kiểu yêu mù quáng đến độ phải đau khổ tận cùng, yêu không được cũng hóm hỉnh, yêu đời và đi kiếm tình yêu khác chứ ngu sao khổ, sống lạc quan yêu đời là vậy:

Tưởng giếng sâu qua nối sợ dây cụt

Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây

Qua tới đây mà không cưới được cô Hai mầy

Qua chèo ghe ra biển… đợi nước đầy qua chèo vô.

Ta thường nghe: Tưởng giếng sâu anh nối dợi dây dài/Nhè đâu giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây. Nay đọc câu chuyện trên thấy ngồ ngộ, nó tưng tửng như đang đùa giỡn. Nói vậy mà không phải vậy, thật ra còn hơn vậy, đó cũng là tính cách Nam bộ. Nếu suy nghĩ thêm, thấy câu chuyện kể trên cũng không vô bổ, vừa sâu lắng và nhiều ý nghĩa. Cái gì cũng đùa được, với tình yêu, đùa giỡn có thể khó thành, nhưng nếu không thành thì cũng vui mà sống chứ không thể bơi ra biển để tìm cái chết, mà…đợi nước đầy thì lại chèo vô.

Trời sinh cây cứng lá dai,

Gió lay mặc gió chiều ai không chiều.

Ra đi là sự đánh liều,

Nắng mai không biết, mưa chiều không hay.

Thời này, cuộc sống vật chất đã xâm nhập vào tận xóm làng, làm con người u mê hoặc tỉnh táo chạy theo tiền bạc, quên bớt nghĩa khí ở đời. Dù không phải quá đói nghèo, vẫn có người bán sức lao động tận bốn phương trời xa xăm vạn dặm hay có những cô gái làm vợ khắp thiên hạ, bất kể châu lục nào, hình ảnh đó có thể làm mai một cuộc sống đầy nghĩa tình của Nam Bộ xưa. Nhưng gốc rễ vẫn còn, mầm xanh vẫn tỏ, bản chất cái đẹp của thôn làng, chòm xóm rồi cũng được giữ mãi với thời gian.

Đời còn dài, xã hội sẽ không ngừng thay đổi, tính cách con người Nam Bộ cũng khó giữ nguyên, nhưng do cách sống mộc mạc, phóng khoáng, thanh thản, yêu đời, dung dị nên dù trong khó khăn cách mấy, biến đổi cỡ nào, người dân cũng ít than vãn, vẫn sống vui không ngừng, đó là khí phách nghĩa tình Nam Bộ.

Chuyện Nam Bộ, cứ mãi còn dài, nói hoài không hết.

.

Bùi Phương chuyển bài

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: