Where we going, Daddy?
Đó là câu hỏi của con trẻ.
Với đứa trẻ bình thường, nó có thể hỏi đi hỏi lại đúng một câu đến 23 lần (như trong chuyện “Cha và Con” https://banmaihong.wordpress.com/2011/05/14/cha-va-con-d%e1%ba%a1-uyen/). Còn với Thomas, nó đã hỏi cha mình một câu như thế suốt cả cuộc đời. Và cha của Thomas lắm lúc không trả lời nữa, có thể vì ông cũng không biết trả lời sao. Thomas là một đứa trẻ bất thường, chậm phát triển.
Thomas còn có một người anh tật nguyền và cũng chậm phát triển. Trong một lúc nào đó và bằng cách nào đó, nếu nghĩ sinh ra một đứa con bất thường là một ngày tận thế, người cha này đã nói ông có đến 2 ngày tận thế. Nói thế chứ ông có “tận” đâu, ông sống đủ lâu để yêu thương 2 sinh linh mà chính mình là tác giả, đủ lâu để chứng kiến sự “trưởng thành” của hai đứa con và viết tặng chúng quyển sách này (Where we going, Daddy? _ Jean-Louis Fournier).
“Ba ơi, mình đi đâu” là quyển sách viết về hai đứa con tật nguyền và chậm phát triển của chính tác giả. Mathieu thì miệng lúc nào cũng phát ra âm thanh “brừm- brừm” như tiếng động cơ xe, còn Thomas thì lập đến kỷ lục câu hỏi “Ba ơi, mình đi đâu?”, và đừng mong cả hai đứa trả lời cha của chúng một câu nào, trong khi người cha luôn dõi theo và có những câu hỏi dành cho con mình. Thậm chí, ông còn ước mơ tặng sách cho các con, một cuốn Tintin chẳng hạn, nhưng rồi ông chẳng có cơ hội để “mất công” làm gì: chúng không biết đọc.
“Ba ơi, mình đi đâu” là quyển sách tác giả viết về hai đứa con của mình, nhưng người đọc lại thấy bao trùm lên đó hình ảnh của người cha. Ông cũng có những ước mơ, tình cảm thiêng liêng khi sinh con, và dành cho con khi chúng lớn lên. Nhưng chính vì hai con ông bất thường nên những tình cảm, ước mơ của ông trở thành rất đáng trân trọng.
Mất ngủ vì Mathieu cứ “brừm-brừm” suốt đêm như chơi trò “Cuộc đua ô tô 24 giờ thành Mans”, đôi lúc ông cũng muốn quăng thằng con qua cửa sổ, rồi lại nghĩ những đứa trẻ bình thường cũng làm cha mẹ chúng mất ngủ cơ mà.
Ông bảo “nhờ” hai đứa con bất thường mà ông không phải lo chuyện học hành, định hướng nghề nghiệp cho chúng; ông bảo “nhờ” chúng mà ông được hưởng miễn phí giấy chứng nhận đã đóng thuế ô tô; ông bảo chẳng phải chở chúng đi thưởng ngoạn, ngắm cảnh, tham quan bảo tàng gì cả. Noel, không cần trang trí, không cần chuẩn bị những món quà bí mật vì sẽ không có những ánh mắt trẻ thơ ngạc nhiên, sung sướng…. Những điều ông kể nghe thật là cần phải kể.
Ông là nhà văn trào phúng nên những điều ông kể có vẻ nhẹ nhàng hơn mức cần phải đau buồn, nhưng lắm lúc ông thật sự không cười nổi và người đọc cũng không cười nổi vì “hai con yêu tinh có rơm trong đầu” của ông.
Cha mẹ của những đứa con bất thường là những người phi thường. Tôi nhận ra điều đó.
Và quyển “Ba ơi, mình đi đâu?” (Where we going, Daddy?) là một câu chuyện cảm động mang giọng văn “không cần quá cảm động” tôi vừa đọc trong mùa hè này.
.
Phương Thảo – Hè 2011.
Filed under: Góc nhìn | Tagged: Góc nhìn, Giới Thiệu Sách, Giới thiệu sách, Sống Đẹp, Tình yêu, Văn hoá, Văn hoá, Đời sống |
Phải tìm đọc mới được.
ThíchThích