Nghịch cảnh là những chuyện tồi tệ mà cho dù không hề muốn người ta vẫn cứ phải đối mặt với nó. Mà những chuyện như thế thì nhiều lắm và luôn xảy đến cho ta bất cứ lúc nào. Ví dụ : ta đang khoẻ mạnh, bỗng gặp một tai nạn giao thông, ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến một bộ phận chức năng của cơ thể, ta bỗng nhiên trở thành một người bị khiếm khuyết, cuộc sống ta bỗng nhiên có một sắc màu khác có thể tương phản hoàn toàn với cuộc sống lúc trước, ta mất đi một số bạn bè, một số sinh hoạt yêu thích…hoặc một sự phản bội, lừa đảo từ người yêu, bạn bè, đồng nghiệp, cảm giác hẫng hụt, đau đớn, cay đắng, chua xót…một thứ cảm trạng thật tệ hại, mọi điều trở nên tối tăm, mờ mịt, tinh thần suy sụp, tình cảm đổ vỡ, mất tự tin, mất cả niềm tin…hoặc một sự mất mát do thua lỗ, thiên tai, trộm cắp, hệ trọng hơn là mất người thân, sự hoảng loạn, mất phương hướng, đau thương, tiếc nuối…một tình trạng hết sức căng thẳng trầm trọng, không dễ gì gượng dậy trong một khoảng thời gian ngắn…hoặc những người chung quanh ta như hàng xóm, người thân, cộng sự nhưng là người có lối sống, cách hành xử bất thuận, trái chiều, thậm chí là đối nghịch hoàn toàn, nhưng ta không thể đơn phương xử lý vì sự bất khả kháng từ nhiều góc độ, vì vậy mà luôn có những cảm giác khó chịu, bức xúc, bực bội, dồn nén…hoặc ta đang phải sống trong một hoàn cảnh bất tiện, thiếu thốn tiện nghi, có những chật vật khó khăn mà không dễ gì khắc phục được, tâm trạng tù túng, bức ách, cô thúc trong nhiều hoạt động ước muốn…
Có nghĩa nghịch cảnh luôn hiển hiện trong cuộc sống của chúng ta. Then chốt của vấn đề là ở chỗ ta không có quyền sắp xếp, chọn lựa hay quyết định, ta luôn bị động trong sự bắt buộc phải tiếp nhận, phải đối mặt, phải ứng xử, phải khắc phục. Để giải quyết được cần có những kỹ năng đặc biệt. Đặc biệt là bởi là không thường xuyên được vận dụng trong thường ngày, chính vì vậy mà nó không thuộc thành quán tính, và nó đòi hỏi chúng ta nhiều hơn tâm lực, và cả sự cố gắng trong nhiều mặt. Thông thường, không ai tự đặt mình vào tâm thế của một sự xáo trộn hay biến động. Nên hầu hết không có sự chuẩn bị tâm lý, và khi đột ngột bị rơi vào một cảnh huống bất thuận thì dễ bị sốc, sang chấn, có khi là đột quỵ. Thuờng ngày ai cũng luôn nghe những chuyện bất trắc xảy ra đây đó, với những quen và không quen. Nghe thì cũng suýt soa bàn tán, nhưng rồi do sự bàng quan mà rơi nhanh, chuyện thiên hạ ấy mà, liên quan gì đến mình đâu. Để rồi khi chính bản thân mình gặp phải điều tương tự lại không tận dụng được tính kinh nghiệm.
Nói vậy, nghịch cảnh là sự bất khả kháng, thì thôi còn bàn giải làm cái gì. Cứ việc phó mặc cho cái sự cuốn đi và dồi dập của nó ra sao thì ra thôi. Ồ, xin đừng nói thế. Cho dù nghịch cảnh là điều ta không muốn, nhưng bất kỳ lúc nào ta cũng có khả năng phải đương đầu đối mặt. Vậy, có nên không? tự rèn cho mình một tâm thức ứng phó. . Sự rèn luyện này không phải chỉ đến lúc có sự diễn biến của thực tế mới có cơ hội cho ta thâm nhập chính khả năng của mình. Mà ta có thể tập sự cho nó bằng những giả thiết cụ thể. Ví dụ: khi nhìn thấy bất kỳ một sự việc bất thuận nào đó xảy đến với bất kỳ một ai đó, dù quen hay lạ, ta hãy thử đặt mình vào vai vị của họ, và thử suy ngẫm xem, mình sẽ ứng phó thế nào với cảnh huống ấy. Những suy ngẫm này, nếu được vận dụng thường xuyên, với độ sâu nhất định, nó sẽ tự lập thành một cơ sở hành vi nền tảng, sẽ trú sâu vào tiềm năng của nội lực, và bất chừng khi cần đến, nó sẽ vụt ẩn hiện trong tâm não, và phần nào đó nó sẽ trợ giúp ta khá đắc lực trong việc ứng phó. Không có sự rèn luyện nào là thừa, và sự rèn luyện này càng không thừa nếu không nói là rất cần thiết.
Còn có một sự rèn luyện nữa. Đó là rèn luyện tâm thế trong hiện tại của nghịch cảnh. Đó là khi ta đã phải tiếp nhận nghịch cảnh trước mắt mà không thể xử giải một cách chóng vánh. Có những nghịch cảnh đột nhiên rơi ập vào mình, ngay lập tức là sự choáng váng, bị động và có khi là bất lực. Nhưng khoảnh khắc đột ngột ấy qua đi, điều ta phải đối mặt sẽ là lâu dài và đòi hỏi rất nhiều công sức. Yếu tố đầu tiên là sự nhận định tình trạng, mức độ của sự thiệt hại và những diến tiến sắp tới. Khi nhận định được tình trạng, ta có thể điều chuyển một tâm thế phù hợp để đi dần qua những chuyện không hay ấy. Và hẳn là không có câu chuyện khúc mắc nào có thể tháo gỡ mà không cần đến những kỹ năng. Và kỹ năng đầu tiên là sự kiên nhẫn và chịu đựng. Nếu không kiên nhẫn và chịu đựng được, thì vấn đề đã không thể giải quyết được một cách hiệu quả mà còn có thể trở nên rối rắm hơn, phức tạp hơn, trầm trọng hơn. Sự kiên nhẫn và chịu đựng này chỉ có thể có được sau một quá trình dài tự dằn nén những cảm xúc bột phát như nóng nảy, bực bội, nổi cáu…Không dễ gì dằn nén được những cảm xúc ấy trong một bối cảnh bức nghiệt trước mắt và vẫn còn đang tiếp diễn. Còn phải tuỳ vào tâm tính, bản ngã, bản lĩnh, tầm nhìn của mỗi người. Không nên lầm tưởng chịu đựng có nghĩa là bó tay chịu thua, là yểu nhược trước tình thế, mà sức chịu đựng bền bỉ là nền tảng cho một sức bật, khi sức chịu đựng kéo dài với tính kiên nhẫn và đương đầu với thử thách, sẽ bồi đắp cho ta lòng can nghị cùng với những chắt lọc và cả sự giác ngộ về những điều tiềm ẩn trong chính ta và sự kiện. Nhờ thế, những ý tưởng loé lên sẽ như một mũi tên chĩa về phía trước, chỉ cho ta thấy con đường sắp tới sẽ được bước tiếp như thế nào.
Một kỹ năng nữa là tự biết dắt tay mình đi qua bằng những lời hứa thầm. Rằng : hãy cố gắng đi qua ngày hôm nay ta sẽ có một ngày mai khác. Chắc chắn là phải có, bởi không có gì là sự đánh đổi cô ích cả. Mọi lao tâm tận lực đều sẽ được đền bù bằng cách này hay cách khác. Có thể nhanh có thể chậm, nhưng một ngày mai đầy hứa hẹn ấy sẽ đến, sẽ phải đến. Nếu ta buông xuôi, ta cho rằng mọi sự đã hết, đã không thể nào khác được, cho dù thực tế cũng đúng là như vậy, thì đúng là hết thật, hết không còn phương cách nào vực lại được. Nhưng bằng vào những cố gắng với tất cả khả năng mình, thì cho dù ta khong thể có lại đuợc điều trước đó, thì ít nhất ta cũng đạt được những hiệu quả nho nhỏ từ những tháng ngày ta thử sức mình.
“Cô ấy, cậu ấy thật đáng nể, tôi mà gặp chuyện như vậy chắc chỉ có chết”. Kha khá nhiều câu tương tự khi nhìn thấy người nào đó trỗi lên từ nghịch cảnh. Nhất là những người mà trước khi xảy ra nghịch cảnh họ dường như chẳng biết khổ là gì. Nhưng tiềm năng của con người ta lạ lắm nhé. Có những điều bình thường cứ nghĩ là không thể làm được, nhưng khi cần thiết và cần thiết một cách bức bách, thì tiềm năng, nội lực sẽ phát lộ và được thi triển rất tốt. Nhờ tiềm năng này mà con người ta đi qua được rất nhiều chặng đường dằn xóc, trúc trắc, khổ ải. Để rồi, bất chợt có khi nhìn lại, người ta cũng ngạc nhiên với chính mình, không thể hỉểu được cái gì đã thúc đẩy mình đi qua bước đường ấy. Xin đừng nghĩ chỉ là lý thuyết, thực tế đã minh chứng rất nhiều trường hợp. Vì vậy mà hãy cầm lòng bằng một câu thế này “Cuộc sống tốt nhất là không gặp nghịch cảnh, nhưng sẽ tốt hơn nếu ta biết cách đi qua nghịch cảnh bằng một tâm thái dễ chịu nhất.”
.
ĐÀM LAN
Filed under: Kỹ năng sống, Tùy bút | Tagged: Góc nhìn, Kỹ năng sống, Tùy bút, Tản mạn, Tản mạn |
Bài viết này của cô thật ý nghĩa.Em thích nhất câu cuối “cuộc sống tốt nhất là không gặp nghịch cảnh, nhưng sẽ tốt hơn nếu ta biết cách đi qua nghịch cảnh bằng một tâm thái dễ chịu nhất.” Em cảm ơn cô Đàm Lan rất nhiều.
ThíchThích
Cảm ơn em, một chút suy ngẫm mà cô muốn chung chia với mọi người, hy vọng sẽ có chút ích lợi nho nhỏ nào đó
ThíchThích
Đàm Lan thân,
Chị xin góp thêm một câu: Nghịch cảnh là không thể tránh khỏi trong đời. May mắn lắm, dù ai được đẻ bọc điều” rồi cũng có lúc gặp trở ngại: những cái thuận và nghịch.
Theo kinh điển nhà Phật, những thuận nghịch của cuộc đời gọi là Bát phong:
. Bát là tám, phong là ngọn gió. Bát phong chia làm bốn cặp, mỗi cặp gồm hai cảnh giới thuận nghịch, đó là: lợi lộc và suy sụp, hủy báng và danh dự, xưng tán và chỉ trích, khốn khổ và lạc thú.
Chúng ta sẽ tu tập rèn luyện mình sao để buông bỏ và giữ tâm an lạc. Nhất là cứ tiếp tục kiên trì ” Trồng Cây”
Về khoản này thì chị em mình phải học chị Phượng nhiều lắm đó.
Cuối tuần vui nghe em
ThíchThích
Dạ chị Huệ Em thì không ránh lắm về Bát phong như chị nói. Nhưng đúng là cuộc sống luôn có những cặp phạm trù đối nghịch, và con người luôn bị chi phối bởi những đối nghịch ấy từ ngoại cảnh cho đến chính bản thân. Điều em muốn nhắn nhủ chính là phải bíet chịu đưng và kiên nhẫn, tạo tâm thái an hoà để tránh những hành vi cực đoan. Còn nếu buông xả được thì tốt rồi, nhưng đa số không dễ gì buông xả đâu chị ạ. Chị Phương thì trải nghiệm cuộc sống rất tốt rồi, em còn phải học nhiều.
ThíchThích
Huệ & Đàm Lan ơi,
Cám ơn hai em đã thương chị. 🙂
Huệ nhắc đến Bát phong của Phật gia làm chị nhớ đến những lẽ thuận nghịch đương nhiên trong đời sống hàng ngày thường khi làm mình điên đảo. 🙂
Lan nhắc đến biết chịu đựng và kiên nhẫn làm chị nhớ ngay đến bài dịch “Cứ tiếp tục trồng cây” của em Trần Hồng Hải. 🙂
Chính ra là vầy… đúng không hai em?…
1-Thời gian : Vô Thường
Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã đến cuối đời. Sống thanh thản.
Qua một ngày mất một ngày.
Qua một ngày nên vui một ngày.
Vui một ngày lãi một ngày.
2-Hạnh phúc : Vô Thường
Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người. Niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống. Mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận.
Điều quan trọng là ở tâm trạng.
3-Tiền : Vô Thường
Nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân. Khi ra đời chẳng mang đến. Khi chết chẳng mang đi.
4- Đời sống : Vô Thường
Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú.
Luôn luôn nâng cao phẩm chất cuộc sống.
Hưởng thụ những thành quả của mình cho dù là lớn hay nhỏ.
5-Thê´Gian : Vô Thường
– Tài sản có thể bị mất vì các nguyên nhân: (a) Thiên tai, (b) Hỏa hoạn, (c) Quốc hửu hóa, (d) Trộm cướp, etc…
– Địa vị là tạm thời. Vẻ vang là quá khứ.
– Cái được, người ta chẳng hay để ý; cái không được thì vọng tưởng nó to đẹp.
Sống ở trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho mình khổ sở.
Quan trọng là khi đau buồn mình chọn cách sống thế nào… vì lý do đơn giản… MÌNH XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC HƯỞNG AN LẠC, HẠNH PHÚC HƠN AI HẾT !!!
Hai em đồng ý ??? 🙂 🙂 🙂
ThíchThích
Dạ chị Phượng ơi, những điều chị nói thì rất đúng, có điều không có mấy người thực hiện được như vậy. Bài viết của em là muốn mỗi người hãy tự rèn luyện khả năng thích ứng với nghịch cảnh, để khi nhỡ có rơi vào thì không đến nỗi suy sụp lắm. Vậy thôi
Còn chuyện tập được sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn đến đâu thì tuỳ thuộc vào tánh ý mỗi người. Với những người nông nổi hấp tấp nóng vội và hiếu thắng thì không bao giờ tập được. Bài viết chỉ góp cho mỗi người sự gợi nhắc, để ai ai cũng có thể lường trước những khả năng biến động lớn nhỏ của đời sống. Chị khoẻ và an bình luôn chị nhé.
ThíchThích
Đàm Lan ơi,
Chị quên chưa cám ơn em cho “Nghịch Cảnh”. Một gợi nhắc rất cần thiết thỉnh thoảng trong đời sống cho nhiều người. Kể cả chị.
Chị cám ơn em nhiều há. Sức khỏe và an lạc cho em và gia đình nghe. 🙂
ThíchThích