Xin giới thiệu đến các bạn và các em một số chia sẻ về kinh nghiệm học thi IELTS của Trần Ngọc Thạch. Ngọc Thạch vừa tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông và không lâu sau đó tham dự kỳ thi IELTS ngày 25/ 6 / 2011 vừa rồi. Lần đầu dự thi sau gần 2 tháng ôn thi, Thạch đạt điểm 7, trong đó môn Viết đạt 7, 5 điểm là một kết quả đáng phấn khởi.
IELTS là kỳ thi quốc tế về khả năng sử dụng Tiếng Anh (International English Language Testing System ), cho nên tính ra nó khó hơn những bài kiểm tra thông thường mình hay gặp.Sở dĩ có hệ thống thi cử này là vì các trường Đại học ở các nước nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Canada… sử dụng tiếng Anh là chuyển ngữ, do vậy yêu cầu đầu tiên nhập học là sinh viên phải đạt đến trình độ tiếng Anh nào đó để có thể nghe giảng, đọc sách, làm bài tập và tham gia các hoạt động giáo dục khác. Nói tóm lại, IELTS là công cụ đánh giá về khả năng ngôn ngữ về nghe, nói, đọc, viết của các du học sinh xem họ có thể học tập, làm việc bằng tiếng Anh trong môi trường nói tiếng Anh được không.
Thực tế nếu ta muốn làm bài IELTS cho tốt thì về mặt ngữ pháp, văn phạm, bốn kỹ năng cơ bản về Tiếng Anh cần phải chuẩn bị trước một thời gian dài như người ta vẫn nói : ” Ta phải biết bò rồi sau đó mới tập đi”. Trường hợp của mình là vì mình đã được học ba năm chuyên Anh, nên chuẩn bị cho kỳ thi này không quá khó khăn. Mình nghĩ trước khi vào chương trình IELTS thì ta cần một thời gian rèn luyện cho vững về từ vựng, ngữ pháp, nói, nghe, đọc, viết câu, thành ngữ,… nhưng không thể lơ là phát âm vì nó quyết định nhiều đến phần nghe và nói của chúng ta.!
Hồi mình mới đi học, cô giáo hay sửa lại cho mình rất nhiều phần phát âm, bản thân mình khi học từ vựng cũng đã rất lơ là bỏ qua mảng này. Nhiều người nghĩ rằng từ vựng chỉ cần nhớ mặt chữ còn đọc sao cũng được thì đây là quan niệm sai lầm. Với những từ đơn giản thì dễ, còn khi gặp những từ dài và khó thì việc nhớ và đọc được nó là cả một vấn đề.
Nếu ta cho rằng Tiếng Anh đơn giản là một ngôn ngữ và học nó chẳng qua để giao tiếp không cần phải học quá nhiều chỉ nắm một số câu giao tiếp thông thường để vận dụng. Nhưng để dự thi chứng chỉ IELTS, những gì chúng ta đang học không phải General English mà là Academic English Training. Vì vậy việc nhìn nhận Tiếng Anh như một môn học quan trọng thực sự là điều cần thiết. Ngay cả trường Đại học Oxford bên Anh Quốc họ cũng có chương trình học Tiếng Anh cho bản thân sinh viên nước Anh. Nói được Tiếng Anh thì không khó, nhưng mà nếu muốn hoàn thiện nó và học lên những mức cao hơn quả thực không phải điều dễ dàng. Thậm chí nếu không thực tập hằng ngày, bạn sẽ quên nó đi rất nhanh!
Ồ, thành thật xin lỗi các bạn vì hình như mình lạc đề mất rồi. Quay lại chỗ IELTS, mình xin trình bày vài điều về một số kĩ năng trong kỳ thi. Gọi là kỳ thi vậy thôi chứ nếu bạn có tâm trí thoải mái và tự tin thì nó cũng như một bài Test khả năng thôi.
Có lẽ điều đầu tiên ta nên tiếp cận trong IELTS là phần đọc (Reading). Đây là phần tương đối dài và nhiều từ ngữ khó hơn hẳn ba phần còn lại. Dĩ nhiên là nếu bạn có được vốn ngữ vựng tốt thì Reading không khó lắm. Làm bài reading giống như bạn thực hành việc thông hiểu và ứng dụng từ ngữ cấu trúc một cách nhanh nhạy. Học Reading thì ta nên luyện tập thường xuyên, kết hợp đọc thêm báo chí hay sách Anh Văn. Nhưng mà cũng bởi vì các bài Đọc có nhiều từ ngữ khó, có khi còn liên quan đến những ngành không phải sở trường của mình như là Vật lý, Địa lý, Sinh học hay Lịch sử, cho nên nếu bạn có nền tảng kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau thì nhiều khi đọc lướt qua thôi cũng có thể nắm rõ ý (Đây cũng là điểm quan trọng cho phần Writing). Ví dụ trường hợp của mình thì mình rất thích đề tài Khủng Long nên cho dù bài Reading có nói tới rất nhiều tên khoa học của các loài Khủng Long khác nhau hay thời đại chúng sinh sống thì mình vẫn không bị lúng túng, đối chiếu kiến thức thu lượm được là trả lời dễ dàng. (Nhưng mà mảng địa lý như xác định phương hướng bản đồ này nọ thì, chà, mình rất sợ phần này, may mà hôm thi không ra, hú vía!) Còn về kỹ năng thì thực ra không khó lắm, bạn cần luyện tập đọc lướt, tìm ý thật nhanh để trả lời câu hỏi. Trong các sách hướng dẫn luôn có đầy đủ các dạng hỏi như là True False, Summary, Match,… bạn hãy làm quen với mấy dạng này rồi đi thi sẽ dễ thôi. Dĩ nhiên là muốn đạt điểm tối ưu quả thực không dễ, nhưng mà với thời gian bó hẹp cộng thêm vấn đề tâm lý thì bạn làm được bảy tám phần theo mình nghĩ là tốt rồi. Với lại nếu không được mảng này bạn có thể bù lại bằng mảng khác. Nhưng mà phải cẩn thận, nếu ta thi Academic English Training thì hai phần Reading với Writing sẽ được giám khảo để mắt hơn đấy. Vì vậy bạn hãy cố gắng nhiều nhé!
Học Reading thì bạn nên review lại mỗi khi xong một Text, đây là cách hay để hiểu sâu vấn đề trong bài hơn và giúp bạn ôn tập them. Ta không nên hiểu sơ sơ mà nên hiểu cặn kẽ, một phương pháp đơn giản là bạn hãy thử dịch bài đó ra Tiếng Việt xem sao. Thực ra điều cốt lõi là bạn phải hiểu bài đó nói về điều gì. Nếu bạn thấy đây là việc làm không cần thiết lắm vì bạn có thể hiểu nó bằng khả năng tự suy diễn ( giống như điểm khác biệt giữa từ điển Anh-Anh và từ điển Anh-Việt ấy mà) nếu bạn đã đạt mức này thì, chà, quả thực bạn học tốt lắm đấy! Nhưng bạn cũng đừng quên học lại từ vựng nhé.
Đến phần Listening, người ta nói Listening của IELTS dễ hơn TOEFL, vì các câu hỏi khá đơn giản và bài nghe được sắp xếp rất có thứ tự theo câu hỏi. Bạn hãy luyện nghe thường xuyên, tập phản ứng nhanh nhé. Vì cho dù nghe dễ hơn TOEFL nhưng mà phần lớn yêu cầu bạn phải tự ghi chữ còn thiếu vào ô trống hoặc tóm tắt đoạn hội thoại (khác với TOEFL với phần lớn các câu hỏi ở dạng chọn A,B,C,D). Đến đây mình muốn nhắc lại tầm quan trọng của phát âm PRONUNCIATION. Cách phát âm không chỉ ảnh hưởng khả năng nói của bạn mà còn quan trọng cho cả phần nghe nữa, vì thực chất nếu bạn không nắm rõ âm của từng từ thì rất dễ nghe nhầm hoặc không đoán được ý của từ ngữ mình cần điền vào. Nếu bạn không nghe được chữ đó thì không thể điền được đâu, cho dù bạn đoán được, thậm chí bạn điền V-ing thay vì người ta yêu cầu danh từ của nó, bạn cũng sẽ không được điểm. Vì vậy, bạn hãy luyện tập phát âm chuẩn và nghe kỹ nhé! Phần Listening này thì bạn đừng quá lo lắng chuyện họ có cho từ vựng khó lắm hay không, thực ra bài thi giống như refresh lại những từ quen thuộc ta hay gặp trong Tiếng Anh thôi. Đây là phần kiểm tra xem chúng ta có thể ghi nhận thông tin một cách nhanh chóng hay không, chứ nó không chứa đựng nhiều từ hóc búa như TOEFL. Nhưng mà bạn cũng đừng nghe liên tục nhiều giờ đồng hồ nhé, như thế mệt lắm vì bạn phải tập trung trong thời gian dài, ảnh hưởng không tốt đến thính lực và não bộ đâu. Bạn hãy giữ tinh thần thư thả, có thể bạn làm việc gì đó khác rồi hãy quay trở lại bàn học, như thế có hiệu quả hơn. Đừng tự ép mình theo một lối học hà khắc, tâm trí thoải mái sẽ giúp ta tiếp nhận kiến thức dễ dàng hơn. Bạn cũng có thể tập nghe trên TV hay là Internet cũng rất tốt! (mình cũng đang tập nghe mấy kênh tin tức nước ngoài nè, hic, ban đầu thật không hiểu họ nói cái gì!)
Giờ ta nói đến Writing nhé. Chà, phần này là phần khó nhất đấy! Bạn cũng thấy là ngay cả Tiếng Việt, ta viết một bài cho hợp tình hợp lý cũng đâu có dễ, nói chi là Tiếng Anh. Vì vậy bạn đừng nên tự thúc ép mình phải luyện tập nặng nề qua nhiều đề khác nhau. Bạn hãy tập viết một vài đề trước đã, sau đó review lại rồi rút ra những kinh nghiệm cho lần sau (trường hợp của mình rất sướng, mình có Cô giáo hướng dẫn kỹ lắm, hề hề!). Một điểm quan trọng là ý tưởng, không cần quá nhiều ý cho một bài viết nhưng các ý phải chặt chẽ và có tính thống nhất, cũng như bản thân các ý phải là những đặc điểm quan trọng liên quan đến đề bài, bạn hãy tìm ra và lựa chọn những ý “đắt” nhất cho bài viết của mình. Chính vì vậy, chúng ta cần đọc sách báo, tài liệu thường xuyên và cập nhật thông tin để mở rộng kiến thức, tất nhiên việc này còn có ích cho nhiều công việc khác nữa, không chỉ là IELTS Writing. Giả sử bạn may mắn gặp một đề tài quen thuộc thì rất tốt, nhưng mà nếu bạn gặp phải đề tài mình ít nghe nói tới thì khó khăn lắm nha! Bởi vì bên cạnh việc chấm ngữ pháp, người ta còn đọc và xem thử liệu bạn có phải người am hiểu kiến thức hay không. Nếu ta viết một bài với các ý tưởng sai lệch về logic hoặc không thích hợp với tư duy tích cực thì họ sẽ không ủng hộ bài viết của bạn đâu.
Vừa rồi là phần mình nêu thêm ý kiến, bây giờ ta bắt tay viết bài nhé. Mình đang nói tới bài Argumentative, với thời gian 40 phút. Một dàn bài với các ý ngắn gọn sẽ có ích cho bạn, nếu có thể thì bạn hãy mường tượng các ý trong đầu (brain storming), sẽ tiết kiệm thời gian hơn. Về hướng lập luận, bạn có thể mở bài trực khởi hoặc gián tiếp, nhưng hãy để ý là mở bài của bạn phải bám sát chủ đề, không được xa rời lan man. Với yêu cầu ít nhất 250 chữ, một mở bài ngắn gọn là cần thiết, bạn sẽ có thời gian hơn cho các phần tiếp theo. Bạn cũng có thể tóm lược các ý mình sẽ trình bày ngay ở phần mở bài, nhưng nếu thấy việc đó tốn nhiều công sức thì đừng nên làm (hôm đi thi mình đã không lựa chọn cách này).
Phần thân bài ta có thể bắt đầu với một câu chủ đề (ý liên quan tới đề bài), sau đó từ câu chủ đề đó bạn hãy bám sát nó rồi triển khai ra với các dẫn chứng, ví dụ cụ thể nhằm làm rõ ý tưởng của mình. Dĩ nhiên đây không phải cách duy nhất nhưng nó tương đối dễ ứng dụng. Ta cứ lấy đề bài làm thân, các câu chủ đề của từng đoạn là các nhánh lớn, rồi từ các nhánh lớn đó sẽ lại có những nhánh nhỏ hơn. Giống như một chuỗi các sự kiện, khi bạn đã triển khai với các câu chủ đề rồi thì việc lập luận dựa trên chúng sẽ khiến bài viết chặt chẽ hơn. Ta thử lấy một ví dụ nhé, chẳng hạn chủ đề là “Những cái hay của việc đọc sách”. Đoạn thứ nhất có thể câu mào là “Sách giúp mở rộng kiến thức”, rồi ta lập luận nhiều danh nhân thành công nhờ phần lớn đọc sách, hay nói thêm các ý như là: sách giúp hoàn thiện bản thân,… Đến đoạn thứ hai bạn có thể đưa ra câu đầu tiên là “Đọc sách là cách giải trí hay”, với các dẫn chứng kèm theo là các sách truyện khoa học, thần thoại, Harry Potter, Oliver Twist,… Cứ như vậy, bạn sẽ có được một mạch văn trôi chảy, từng ý rõ ràng.
Mình có một kinh nghiệm này, đó là về hướng dẫn phần viết. Bạn có thể sử dụng từ điển Oxford có phần iWriter. Mặc dù chỉ là phần hướng dẫn sơ bộ thôi nhưng nó giúp ích khá nhiều. Phần này bạn hãy coi qua xem sao nhé. Giống như mọi vấn đề khác, phần hướng dẫn luôn là phần quan trọng nhất, vì vậy khi đọc bất kể phần hướng dẫn nào của IELTS Writing, bạn hãy chú ý thật kỹ!
Còn về phần Writing với Graph thì bạn có thể xem trong sách hướng dẫn, phần này có nhiều dạng nhưng chỉ cần bạn làm quen và luyện viết thường xuyên là được thôi. Bạn hãy lưu ý đến việc sử dụng chính xác các cụm từ mô tả biểu đồ nhé.
Viết cũng là kỹ năng bạn cần sự giúp đỡ của thầy cô dạy bạn nhất vì sau khi được chấm bài, bạn sẽ được chỉ cách cải thiện để viết lại hay hơn. Hic, hic, có bài ở giai đoạn đầu mình đã phải viết lại lần 2 và có khi lần thứ 3.
Phần cuối là Speaking, đây là phần rất thú vị các bạn ạ! Ta sẽ ngồi đối diện giám khảo và trả lời các câu hỏi của họ, vì vậy điều kiện tiên quyết cho phần này: TỰ TIN! Bạn hãy bước vào phòng với tư thế chững chạc đường hoàng, hãy nói những từ lịch sự như SIR/MADAM mỗi khi giám khảo hỏi bạn. Giống như các phần khác, Speaking cũng yêu cầu bạn hiểu biết về một đề tài nào đó rồi trình bày. Bạn hãy hết sức tập trung nhưng cũng cần thả lỏng, xem nó như cuộc nói chuyện thông thường. Biểu lộ sự vui vẻ, thú vị với điều mình được yêu cầu trình bày sẽ khiến tinh thần bạn thư thái hơn và nhờ đó bạn sẽ tạo nhiều thiện cảm hơn cho giám khảo. Đây là phần thi duy nhất bạn trực tiếp trò chuyện với một thầy/cô giáo ngoại quốc nên hãy thể hiện mình nhé! Dĩ nhiên trước đó bạn hãy thường xuyên luyện tập nói với bạn bè, thầy cô, người quen,… và thậm chí bạn cần tập nói một mình dù bạn có một thầy hay cô lắng nghe và giúp bạn cải thiện kỹ năng nói! Mình thấy trên báo nói có nhiều người kể rằng trước kỳ phỏng vấn, họ phải tập nói trước gương nữa kìa! Một điều quan trọng là bạn phải nghe rõ câu hỏi rồi trả lời nhanh nhẹn, nếu không nghe được bạn có thể hỏi lại “Excuse me sir/madam, could you repeat the question?”. Bạn hãy nói to, rõ ràng, không cần nhanh quá và nhất là phải trôi chảy. Cuối bài kiểm tra, bạn nhớ nói thêm một lời chào và cảm ơn giám khảo vì đã dành chút thời gian cho mình nhé.
Uhm…. Hết rồi các bạn à, mình chỉ có bấy nhiêu ý kiến thôi. Hì hì, mong là các bạn không chê mình nói nhiều. À phải, trong thời gian ôn tập IELTS cũng như mọi chương trình Tiếng Anh khác, mình nghĩ chúng ta cần sử dụng Oxford Advanced Learner’s dictionary, từ điển Anh Việt cũng có ích nhưng không thể thiếu tự điển Anh Anh và Oxford Collocations.
Hãy biến việc học ngoại ngữ thành niềm vui! Như thế bạn sẽ tự tin khi bước vào phòng thi.
Chúc các bạn thành công trong việc học Tiếng Anh.
Thân ái chào các bạn!
Trần Ngọc Thạch.
Filed under: Chia Sẻ Tuổi Học Trò | Tagged: Cảm Nhận Tuổi Học Trò, Chia Sẻ Tuổi Học Trò, Học Tiếng Anh, Tản mạn, Tản mạn, Thi Tiếng Anh |
Mmmm…!!
Em cảm ơn anh nhé! Bài viết của anh thật sự đã giúp thay đổi suy nghĩ của em rất nhiều.
Trong việc học Tiếng Anh, em thích phần Speaking và Writing nhất! Nghe anh nói phần Speaking mình được trực tiếp nói chuyện với thầy/ cô nước ngoài làm em cũng hồi hộp theo…Ước gì em cũng được nói như thế! (nhưng từ từ).
À…em thích viết truyện, nên tất nhiên rất thích Writing. Đúng là nhiều khi em cũng tự kiếm cho mình một cái đề, nhưng em toàn chọn phải cái đề…khó, rồi loay hoay cả mấy phút liền không biết phải viết cái gì! Thành ra…~.~ Nhưng giờ em đang được cô giáo dạy Writing nè, em đang cầu cho giờ học Writing tăng nhiều nhiều một tí. Chứ một tuần một buổi, em chờ cái buổi Writing mãi…buồn gì đâu! Em ước trình độ em mau mau “tăng” để em viết cả một bài dài như mấy đoạn trong sách.
… Trong Tiếng Anh, em ghét phần Listening nhất, dù không phải là quá khó, nhưng mà…không có thiện cảm với nó. Dù sao, em cũng sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để đạt được cái em thích và cái em không thích! … Hê hê hê!
ThíchThích
Cảm ơn “tiền bối ” rất nhiều với những chia sẻ quý báu của mình cho kì thi Ielts, “Qủa là thành công chỉ đến với những người miệt mài và chăm chỉ”. Chúc anh thành đạt trong cuộc sống !
ThíchThích
Chúc mừng anh nha! Kết quả thật khả quan và tốt đẹp. Anh có nhiều bí kíp dzậy mà giờ mới ‘công bố’ cho mọi người biết là sao? Những suy nghĩ của anh sẽ giúp ích rất nhiều. Cảm ơn anh nhé. Chúc anh đạt thêm nhiều thành công tại university nhé. Nhưng mà hôm bữa anh đi nhanh quá em chưa kịp chào gì cả.
ThíchThích
Hải nói quá rồi, em học tốt hơn anh nhiều mà. Hết kì nghỉ hè này là em lên lớp 12 rồi hả? Cố gắng lên! Anh thấy lớp 12 không khó lắm đâu, năm cuối rồi thì mình nên giành nhiều thời gian hơn cho bạn bè nhé. Cứ lo bài vở hoài rồi không có vui đâu. Cấp 3 chỉ đến một lần thôi đấy, hãy đừng bỏ lỡ! Đừng giống như anh, tối ngày như đứa gà rù! Mới hết cấp 3 mà tự nhiên nhớ quá.
ThíchThích
Chào Thanh Tâm.
Anh thi vừa rồi cũng là may mắn thôi, đề hôm đó người ta cho không khó lắm. Mà thực ra thì điểm của anh không cao gì nhiều. Em biết không, anh chắc là nhờ mình ăn món xôi đậu phộng buổi sáng ấy nên mới thi tự tin đó! Mẹo này khá hay, khi nào đi thi, em nhớ món này nha!
Uhm…. Tâm ơi, lúc làm bài writing áh, em cũng nên vừa viết vừa ngẫm lại xem mình viết có được chưa nha, tại nhiều lúc mình viết say sưa mà nó hỏng mất. Khi viết, em thử tưởng tượng xem nếu em là giám khảo thì chấm bài viết này, em có thấy hài lòng không, thử đặt mình vào vị trí người chấm xem là liệu ý kiến mình đưa ra có đủ thuyết phục chưa, và liệu mình có tán thành với bài viết ấy không,…
Hì, nói thật với em nha, anh từ trước giờ sợ nhất là writing đó. Em nói là thích phần này lắm hả, nếu vậy là tốt lắm đó. Em hãy viết nhiều hơn nữa nhé, cái này có lợi lắm vì sau này mình còn cần đến nó nữa mà.
Anh thì anh không ghét listening như em đâu. Bởi vì nếu anh luyện tập phần này tốt, sau này lỡ mà có thất nghiệp thì anh cũng còn công việc cuối cùng là ngồi trực điện thoại đấy! Kĩ năng ghi nhận thông tin nhanh chóng một phần là nhờ cái listening này đó. Vì vậy em đừng bỏ qua mảng này nhé.
Tạm biệt. ( Đọc qua phần response dở ẹc của anh cũng làm em phát mệt rồi ha!)
Hì!
ThíchThích
Cảm ơn Ngọc Ánh.
Thực ra anh không chăm chỉ gì nhiều. Anh thấy điều cần nhất cho mọi việc là sự tập trung. Anh nghĩ tập trung là bước đầu, sau đó tự nhiên là nó chăm chỉ hà!
Mình đâu có thể chăm chỉ rồi miệt mài một cách gượng ép mãi được đúng không. Nhiều khi chỉ là do cha mẹ thầy cô thúc ép chứ đâu phải bản thân ta. Anh nghe người ta hay kể rằng ông Newton từng nói: “Lúc nào cũng nghĩ đến nó!”
Rõ ràng, ông ấy muốn nói rằng mọi việc nên bắt đầu với sự thích thú, quan tâm sau đó hãy tập trung hết mình. Nhờ vậy khi làm bất cứ việc gì, ta mới cảm nhận sự miệt mài (trong một khoảng thời gian nào đó thôi).
Không gì bằng hoàn tất mọi việc vào thời điểm phù hợp nhất! Em hãy thử tự tạo niềm vui cho mình xem!
ThíchThích
Bài viết của anh rất thú vị, em đã học hỏi được những kinh nghiệm bổ ích. Em không rèn luyện phần speaking nhiều, đó cũng có lẽ là phần mà em còn yếu. Nhưng không sao, em sẽ cố gắng “áp dụng” các kinh nghiệm của anh. ^^
Chúc mừng anh và cũng rất cảm ơn anh vì bài viết hay!
ThíchThích
Cảm ơn anh đã chia sẻ kinh nghiệm sau khi trải qua 1 kì thi quốc tế như vậy :D.
Em sợ nhất là phần reading và writing. Mấy bài reading của IELTS và TOEFL mang tính học thuật cao, nên mỗi lần làm em chỉ thấy buồn ngủ thôi :P, toàn là từ vựng mới hoặc nói về những vấn đề mà mình chưa gặp bao giờ. Phần writing thì em chưa được luyện nhiều, lại thiếu từ vựng và chỉ biết sử dụng vài cấu trúc tiếng anh đơn giản, nên hiện tại vẫn còn khá kém :(. Cô Huệ đang luyện viết luận cho tụi em, hy vọng sau này kết quả sẽ khá hơn.
Anh được 7.5 Writing, thật đáng ngưỡng mộ :D. Chúc anh gặp nhiều thành công hơn nữa ^^
ThíchThích
Ngọc Thạch,
Cô chúc mừng em về kết quả tốt trong kỳ thi IELTS vừa qua. Những trao đổi của em rất tốt, có ích cho đàn em và các bạn có ý định thi lấy những chứng chỉ quốc tế như thế.
Đây chỉ là điều kiện ắt có nhưng chưa đủ cho những thành công tại một trường đại học tiên tiến ở Úc. Nhưng cô tin với nỗ lực và chăm chỉ quyết tâm ( giống như khi học ôn thi tháng 6 vậy), em sẽ đạt được những kết quả khả quan cho năm học đầu tiên như một freshman trong thời gian sắp đến.
Cô chúc em sẽ đạt nhiều thành công về kỹ năng sống và học tập ở xa quê nhà, phố núi nhỏ bé của chúng ta.
ThíchThích
Cảm ơn anh đã chia sẻ những kinh nghiệm học thi thật bổ ích cho chúng em. Em sẽ cố gắng học tập theo những kinh nghiệm này để có một kết quả học tập thật tốt. À! Qua cách trả lời phản hồi bạn Ngọc Ánh và bạn Thanh Tâm của anh, em cũng thấy anh là một người vô cùng khiêm tốn, thêm một đức tính tốt nữa cho chúng em học hỏi. Chúc anh luôn đạt được kết quả tốt trong học tập và trong công việc sau này.
ThíchThích