Đọc xong tờ công văn, thầy Danh thấy cách hay nhất là cầm tờ công văn tới lớp cho cô Thủy tận mắt đọc, rồi tùy phản ứng của cô Thủy mà tính.
Đọc tới dòng thứ ba, là dòng ghi thời gian diễn ra hội thi, đúng như thầy Danh đoán trước, cô Thủy nhăn nhúm mặt mày:
– Trời, một tháng nữa cũng là thi học kỳ. Hết lúc chơi rồi hay sao mà nhè ngay lúc đó?
Thầy Danh chỉnh:
– Không phải chơi.
– Xin lỗi, thì là đi thi đá bóng. Nói thầy đừng giận nghe, thi đá bóng không được thì… thì cũng không sao, chớ mà thi học kỳ làm bài không được thì.. thì…. Cái nào quan trọng hơn?
Thầy Danh không tỏ ra tự ái, tỉnh bơ:
– Vậy nhờ cô ký vô đây dùm, ghi rõ là cô không đồng ý cho mấy đứa học trò lớp của cô đi tập đá bóng để dự hội thi.
– Anh làm khó tôi đó hả?
– Đâu có, tôi nói chưa hết mà, cô ghi rõ ra luôn cái lý do khiến cô buộc lòng phải từ chối là vì hội thi thể thao trùng với kỳ thi học kỳ. Không ai trách cô được.
Cô Thủy đọc lại công văn một lần nữa, thở dài:
– Ai nghĩ ra cái chuyện tổ chức hội thi thể thao ngay thời điểm éo le này vậy ta?
Nhìn kiểu xuôi xị của cô Thủy là thầy Danh biết bước một đã xong. Bây giờ là bước hai.
Thầy Danh nói:
– Cô vẫn chưa đọc xong.
Cô Thủy nhướng mắt:
– Yên tâm, tôi thuộc lòng rồi – Cô Thủy trề môi đọc như trả bài – Một tháng nữa hội thi thể thao học sinh khuyết tật cấp toàn quốc sẽ diễn ra tại thành phố thân yêu của chúng ta, đề nghị các trường có học sinh khuyết tật tạo điều kiện cho các em tham gia cuộc thi này.
– Cô đọc xong chưa?
– Rồi. Thuộc bài tốt. Chín điểm.
– Chỉ năm điểm thôi vì mới thuộc một nửa.
– Sao?
– Cô chưa đọc kỹ phần độ tuổi tham gia.
Cô Thủy cúi xuống tờ công văn, rồi “ớ”:
– Người tham gia không quá mười tám tuổi, trời đất, vậy thì chắc là mình phải vét luôn mấy đứa mười tuổi ở lớp một và gom luôn mấy đứa con gái ở lớp nhạc mới đủ đội bóng.
Nghe cô Thủy nói tiếng “mình” là biết cô đã về cùng phe rồi, thầy Danh cười tươi lấn thêm bước nữa:
– Mấy đứa con gái lớp nhạc chỉ cầm nổi cây đàn măng đô lin thôi, còn mấy đứa mười tuổi mà ra sân thì chắc cô phải đi theo để xức dầu mà tôi không dám làm phiền cô như vậy đâu. Tôi sẽ lấy mấy đứa lớn như thằng Hùng thằng Liêm chêm thêm vô.
– Hả?
Cô Thủy nhìn thầy Danh như nhìn tội phạm hình sự. Thầy Danh hạ giọng:
– Còn cách nào khác?
Điều này quá bất ngờ cho nên cô Thủy quên luôn phản ứng tức giận vì thời điểm thi quá sức không thích hợp, cô cũng hạ giọng như thầy Danh, thì thào:
– Thầy định ăn gian hả?
– Chỉ cần ngày ngày cô dặn dò mấy đứa lớn là nếu có ai hỏi thì nói mỗi đứa mới gần mười tám tuổi thôi. Dặn đi dặn lại cho tụi nó nhớ cái tuổi mới này.
****
– Vậy là mình nói láo hả cô? – Hùng hỏi.
Cô Thủy đang tìm cớ nói gì đó để lảng đi thì Liêm hỏi:
– Vậy là cô cũng nói láo hả cô?
Cô Thủy thấy giận mình kinh khủng, và giận thầy Danh kéo mình vô cái vụ này, rồi cô giận tới nguyên nhân chính là cái công văn kia. Rõ ràng là người ký tờ công văn chưa từng bao giờ bước chân tới một trường khuyết tật để biết người khiếm thị đi học ra làm sao.
****
Loa phóng thanh vang vang “Đề nghị mọi người giữ yên lặng”.
Khán đài lập tức im phăng phắc, chỉ còn lại những cái rướn người về phía trước để coi cho rõ hơn và bàn tay này níu cái vai kia để chỉ trỏ… Ồn hơn một chút xíu, là tiếng thì thào được che miệng rất kín.
Không gian còn lại tiếng reng reng reng của trái banh lăn trên sân, và tiếng gọi của hai huấn luyện viên đứng sau khung thành của đối phương để cầu thủ đội nhà nghe tiếng gọi của mình mà sút bóng về phía bên này.
Được vài ba mươi giây thì khán giả hết chịu nổi. Coi bóng đá mà phải trật tự thì…
Ngay cả cổ động viên khiếm thính cũng tay đứa này đập vai đứa kia bôm bốp.
Một cầu thủ của trường Ban Mai bị té cái oạch trên sân. Phía khán đài của cổ động viên trường Ban Mai nhốn nháo “Đứng lên Hoàng ơi… Nhanh lên… Cố lên Hoàng ơi… Cố lên…”
Tiếng reng reng bay tới chân một cầu thủ của trường Thành Công. Cổ động viên trường Thành Công đứng bật dậy “Minh… Minh…. Minh… Sút… Sút… Sút thẳng…”
A… oa…oa… a… a…
Trái banh bay vèo qua cầu môn bay tiếp qua khán đài rồi đập vô tường “bùm” văng ngược xuống sân “bùm” thêm cái nữa.
Cú sút quá mạnh mẽ cho nên dù không lọt lưới vẫn làm vang dậy tiếng ồ ồ ồ rào rào nổi lên khắp nơi. Cổ động viên trường Thành Công dậm chân đập tay tiếc nuối. Cổ động viên trường Ban Mai reo lên vỗ tay hoan hô thoát nạn.
Cái loa ré lên “Một bàn suýt thắng của trường Thành Công, rất đáng tiếc…”, chợt nhớ ra, nó đổi giọng “Đề nghị mọi người giữ yên lặng… Đề nghị tất cả mọi người giữ yên lặng…”
Còn lại tiếng reng reng reng lăn lăn lăn…
Cô Thủy phụ trách chăm sóc cầu thủ cho nên cô đứng ở góc sân với cái giỏ đựng mấy chai nước và mấy cái khăn ướp lạnh. Vốn bực bội với hội thi này cho nên cô chẳng chú ý gì tới diễn biến của những trận đấu của đội trường khác, cô có mặt ở đây là vì nhiệm vụ, cô đợi trận đấu của đội trường mình, cho xong, vậy thôi. Thậm chí cô còn mong cho bị thua ngay vòng đầu tiên để về mà lo học hành cho kỳ thi học kỳ.
Nhưng cú sút mạnh mẽ khiến cô tò mò nhìn kỹ cầu thủ vừa làm nên cú sút đó. Đúng như nghi ngờ, cô nhìn thấy bộ râu quai nón đã cạo sạch nhưng vẫn còn dấu xanh rì, thêm những nếp nhăn quanh mép nữa.
Vậy là trường kia cũng ăn gian tuổi mà là ăn gian quá trời luôn. Lỡ đội này mà gặp trường mình thì sao hả ta?
Oa … oa.. oa… a… a…
Tiếng hò reo và vỗ tay vang dội, cầu thủ số 4 của đội Ban Mai đã ghi được bàn vừa lúc tiếng còi báo hiệu hết giờ. Bàn thắng ở phút cuối này khiến cổ động viên của trường Ban Mai chạy ùa từ khán đài xuống sân công kênh tất cả cầu thủ của mình của mình chạy vòng vòng cuồng nhiệt quanh sân làm thầy giáo phải chạy theo la to cản lại “Coi chừng té, còn đấu mấy trận nữa đó”, cứ như là nếu không vì còn phải đấu mấy trận nữa thì cứ tha hồ mà té.
Trận tiếp theo là trường Cỏ Xanh đấu với cơ sở Hoa Hồng do các Sơ quản lý. Mọi người ngạc nhiên thấy có sự thay đổi. Vừa mới đây thôi, các cầu thủ chỉ đội cái đai bảo vệ quanh đầu, bây giờ có thêm dải băng bịt mắt.
Hóa ra là có khiếu nại của đội Thành Công, họ nói bàn thắng vừa rồi của đội Ban Mai là không công bằng vì cầu thủ số 4 còn nhìn thấy mờ mờ, bằng chứng là khi họ huơ tay ngang mặt, mi mắt cầu thủ số 4 rung động.
Bịt thì bịt, không sao. À, cô Thủy chợt nhớ ra thằng Liêm bị cái nhọt ở phía sau đầu, mà ông trọng tài cột dải băng lại thắt gút ngay chỗ đó. Nhìn nó vừa chạy theo tiếng reng reng reng vừa đưa tay ngoái ra sau đầu mà rờ rờ mà thấy phi lý quá. Hình như cái gút cộm lên khiến nó bị đau, cô Thủy thấy Liêm luồn ngón tay đẩy cái gút nhích lên phía trên.
Sau lưng cô Thủy có tiếng nói:
– Ăn gian kìa, đẩy cái khăn cao lên để hí nhìn kìa.
Cô Thủy quay mặt lại, và nhìn thấy một bà Sơ đang đứng giữa các cầu thủ dự bị của đội Hoa Hồng. Cô Thủy nhớ ra đã gặp bà Sơ này ở cuộc họp nào đó trong một trường hợp rất ấn tượng… à đúng rồi, cuộc họp hôm đó có một em khiếm thị hát rất hay, và bà Sơ này là người diễn tả cho các em khiếm thính hiểu được nội dung bài hát, lúc đó nhìn Sơ giống hệt một diễn viên múa, rất đẹp.
Sơ vừa nói học trò của cô Thủy ăn gian. Cô Thủy phân bua liền:
– Không phải ăn gian đâu Sơ, tại vì nó bị cái nhọt ở chỗ đó.
Sơ không nói gì khiến cô Thủy không có cớ để nói tiếp nữa. Bà Sơ vuốt tóc cầu thủ dự bị đang đứng gần nhất. Trời, cô Thủy ngạc nhiên, cầu thủ gì mà nhỏ tí tẹo, chỉ đứng ngang hông bà Sơ.
Nhìn thấy sự ngạc nhiên của cô Thủy, Sơ cười:
– Nghe nói được dự hội đá bóng cấp toàn quốc em nào cũng thích cho nên…
A… oa… oa… a… a…
Trái banh đập vào cột dọc trong tiếng hò reo tiếc rẻ của cổ động viên đội Cỏ Xanh.
Cầu thủ nhí vểnh tai háo hức:
– Sơ ơi, bàn thắng của đội nào vậy?
– Chưa, chưa đội nào hết con à.
Các cầu thủ dự bị của đội Cỏ Xanh níu áo cô Thủy:
– Đội nào vừa ghi bàn vậy cô? Em nghe tiếng reo của mấy đứa trường mình.
Cô Thủy xuýt xoa:
– Xém tí nữa là trường mình được một trái. Ngồi xuống, các em ngồi xuống, giữ gìn cẳng chân đừng bị mỏi để tí nữa đá.
Vì lo kéo ghế cho mấy đứa nhỏ ngồi nên cô Thủy không kịp nhìn thấy gì diễn ra trên sân, chỉ nghe tiếng còi thổi “roét” vang lên.
Hùng đang nằm cong chân trên sân, hai tay ôm cứng đầu gối. Trọng tài đang chỉ tay về một cầu thủ của đội Hoa Hồng.
– Cái gì vậy hả cô?
– Chuyện gì vậy hả Sơ?
Tất cả cầu thủ dự bị của hai đội đồng thanh hỏi.
– Hùng bị đốn ngã – Cô Thủy bật ra.
Bà Sơ bật ra:
– Làm sao mà đốn được?
Cô Thủy nhìn thấy trọng tài kiểm tra dải băng bịt mắt của cầu thủ đang bị nghi ngờ là đốn ngã thằng Hùng, rồi không biết sao đó mà trọng tài ra lệnh cho cầu thủ này rời sân.
Bà Sơ vỗ hai tay vào nhau:
– Không thể như vậy được.
– Không được cái gì hả Sơ? – Cầu thủ nhí dự bị níu áo Sơ hỏi.
Sơ kêu lên:
– Đứng im nào, để Sơ đi khiếu nại.
Sơ vừa dợm bước đi thì phải ngừng lại ngay vì loa vang vang “Đề nghị đội Hoa Hồng đổi cầu thủ khác ngay lập tức”.
Cô Thủy chạy ra sân để phụ thầy Danh dìu thằng Hùng ra khỏi sân. Thầy Danh phẩy tay:
– Cô để thằng Hùng cho tôi lo, cô đổi chỗ cho tôi đi.
Cô Thủy không hiểu gì.
– Cô không thấy nãy giờ mấy đứa nhà mình toàn đá về lưới đội nhà hả?
– Là sao?
– Là vì huấn luyện viên của đội bên kia có giọng nói miền Trung giống giọng của tôi nên bọn nhỏ cứ tưởng là tôi gọi, tụi nó cứ đá hướng tới, may mà chưa lọt lưới nhà trái nào.
– Vậy tôi làm gì được?
– Cô đứng vô chỗ của tôi ở sau khung thành bên kia, giọng của cô thì không giống ai hết…
Nhận ra câu nói của mình có phần kỳ cục, thầy Danh ngừng lại, nhưng không kịp tìm ra cách diễn đạt khác cho dễ nghe hơn, thầy nói tiếp luôn:
– … Cho nên không sợ mấy đứa nghe lầm. Nhanh lên đi.
– Nhưng mà…
– Lúc này thì cô cứ làm theo lời tôi. Làm ơn đừng có cãi. Nhanh lên đi. Nhanh.
Tiếng còi thổi “roét”.
Cô Thủy chạy như bay về phía sau khung thành của đội Hoa Hồng. Cô la to:
– Cô Thủy đây, các em nghe tiếng cô không?
Các cầu thủ đội Cỏ Xanh khựng lại vểnh tai lên.
Cô Thủy la to hơn:
– Cô Thủy đây, đá về hướng này nghe chưa.
Các cầu thủ đội Cỏ Xanh đồng loạt “dạ” vang, khí thế tưng bừng hẳn lên. Kể từ đi tập đá bóng tới nay, đứa nào cũng mang cảm giác có lỗi với cô Thủy vì ham đá bóng hơn ham học. Nay cô Thủy ủng hộ như vậy thì thật là phơi phới, phải ghi bàn thắng để khỏi phụ lòng cô.
Thầy Danh hài lòng nhìn các cầu thủ, và hài lòng nhìn cô Thủy chụm hai tay quanh miệng hét vang “Về phía này nè mấy em ơi”.
Trọng tài lại thổi còi “Roét”. Và loa vang vang “Đội Hoa Hồng thay người”.
Không hiểu mấy về luật bóng đá nên cô Thủy không thắc mắc vì sao đội Hoa Hồng phải thay người, cô chỉ chưng hửng khi tiến ra sân là cầu thủ nhí.
Không chỉ cô Thủy, tất cả đều sửng sốt, và bật cười, vì cầu thủ nhí mặc một bộ đồ rộng thùng thình. Có lẽ nhà tài trợ đồng phục không ngờ có một cầu thủ bé tí tẹo cỡ này. Cầu thủ nhí hồi hộp quá cho nên cái bụng thóp lại khiến lưng quần tụt xuống mà không biết.
Cô Thủy không cười, cô sợ cầu thủ nhà mình lỡ mà đá trúng cầu thủ nhí này thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Trọng tài ngẩn người nhìn bà Sơ chạy ra sân để sửa sang lại áo quần cầu thủ nhí cho chỉnh tề.
Trọng tài kêu lên “Thưa Sơ, em bé thế này”
Sơ cười bẽn lẽn:
– Sơ biết, nhưng mà em nó thích quá.
Trọng tài gãi đầu:
– Thưa Sơ, rất nguy hiểm.
Bà Sơ gật đầu:
– Sơ biết mà. Nhưng cứ cho em cho nó đá… – Ngừng, rồi Sơ nói thêm – … Một trái thôi.
Các cầu thủ trên sân ngạc nhiên không hiểu vì sao trận đấu ngừng lại lâu quá vậy. Trọng tài sốt ruột nhìn đồng hồ.
Cầu thủ nhí hỏi to:
– Sơ ơi, quả bóng đâu rồi mà im lặng vậy?
Trọng tài nhìn đồng hồ một lần nữa rồi bê trái bóng lắc mạnh cho nó reng reng reng và đặt ngay chân cầu thủ nhí:
– Bóng đây, khi nào nghe tiếng còi thì cháu đá nhé.
Cầu thủ nhí cười rạng rỡ.
Trọng tài chạy tới đứng trước khung thành của đội Cỏ Xanh, ý trọng tài là nếu cú đá của cầu thủ nhí có gây bất ngờ thì cũng đã có trọng tài chặn lại, nhưng cô Thủy không hiểu, cô la lên:
– Chơi gì kỳ vậy?
Cái loa vang vang “Đề nghị giữ trật tự”
Khán đài rất nhộn, ai cũng chồm người tới trước để nhìn cho rõ cú đá của cầu thủ nhí.
Cầu thủ nhí tung chân lên, cú đá khá là mạnh nhưng tiếc là chỉ gót giày chạm phớt vào trái bóng, tiếng reng reng reng vang yếu ớt nhưng lại gây nên một tràng tiếng “á á á…” nhốn nháo, là chiếc giày tuột khỏi chân cầu thủ nhí và theo đà của cú đá nó bay vọt tới góc sân nơi các cầu thủ dự bị đang tụ tập rồi rớt tõm xuống xô nước chanh làm nước văng tung tóe.
*****
Kết quả lọt vào vòng tứ kết khiến thầy Danh hào hứng kêu tắc xi chở tất cả ra quán chè.
Bọn nhỏ vui vẻ nhai đá rau ráu.
Cô Thủy không ăn chè, cô uống ly nước mía không đá.
Thầy Danh hỏi:
– Trời nóng mà sao Thủy không uống đá cho mát?
Bọn nhỏ nghiêng tai đợi nghe cô Thủy trả lời, nhưng không nghe gì.
Một đứa kêu lên:
– Cô ơi?
– Cô đây – Cô Thủy trả lời.
Câu hỏi của thầy Danh được học trò lập lại:
– Trời nóng mà sao cô không uống nước mía với đá cho mát hả cô?
Học trò không nhìn thấy cô Thủy đưa tay xoa cổ:
– Cô sợ là cô bị viêm họng rồi – Nhìn thầy Danh, cô Thủy lắc đầu – Chưa bao giờ tôi la hét to giữa đông người như hôm nay. Mà tôi không hiểu tại sao lúc đó mình lại như vậy nữa.
Thầy Danh cười ha ha:
– Bóng đá mà.
.
Nguyên Hương
Ảnh minh họa : Nguyên Hương
Filed under: Chia Sẻ Tuổi Học Trò, Sống vui, Truyện Ngắn, Đời sống | Tagged: Chia Sẻ Tuổi Học Trò, Sống vui, Thiếu nhi, Truyện Ngắn, Tuổi học trò, Xã hội, Đời sống |
Trả lời