• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 1 096 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 1 096 other subscribers

Đom đóm vào nhà ( Nguyễn Đình Xuân)

          Khi đến tháng Tư âm lịch là đã sang mùa hạ. Thế mà trời vẫn trở gió Đông Bắc, đêm lắc rắc mấy hạt mưa. Để lấy khí trời nên tôi không đóng cửa sổ. Bất ngờ có chú đom đóm bay vào phòng ngủ, sáng lập lòe. Đèn trong phòng đã tắt nên ánh sáng đom đóm rõ hơn. Đom đóm bay vòng quanh nhà, sà lên trần màn rồi lại tất tả bay. Con trai nằm cùng tôi ngạc nhiên hỏi con vật gì mà sáng lập lòe thế. Ờ nhỉ, con đã bao giờ nhìn thấy đom đóm đâu. Những năm trước sống giữa khu phố cổ, rồi chỉ về quê khi đã nghỉ hè, hết năm học, làm sao con gặp đom đóm, để mà nhận biết?

Năm ngoái, tôi quyết định làm cuộc di trú, bán nhà trong phố ra vùng đất phía Bắc sông Hồng để ở. Nơi đây trước là làng quê, mới lập phường mấy năm nay. Mỗi sáng tinh mơ nghe tiếng gà gáy rộ, hít hà hương gió đi qua những mảnh ruộng sót lại của cánh đồng còn ngai ngái mà lòng tôi khoan khoái dễ chịu. Bây giờ gặp ánh sáng đom đóm, trong tôi lại ngẩn ngơ nhớ bâng khuâng.

Đom đóm bay ra là quê nhà đã tháng Ba. Câu ca dao mẹ ru tôi ngày nào còn nguyên trong trí nhớ “Bao giờ đom đóm bay ra/Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”. Đom đóm gắn với tuổi thơ của tôi ở một vùng quê chiêm trũng. Hồi nhỏ, tôi cùng lũ trẻ con trong xóm nghịch ngợm bắt những chú đom đóm nhỏ xinh cho vào lọ thủy tinh, thường là lọ thuốc pê-nê-xi-lin. Những lọ thuốc ấy sau khi được nhân viên y tế tiêm cho người, cho gia súc vứt đi, chúng tôi nhặt về, bỏ lớp màng nhôm bọc ở đầu rửa sạch và giữ cái nút cao su cẩn thận. Thế là đêm đến, mỗi đứa trong tay một hoặc hai chiếc lọ thủy tinh nhỏ xíu ấy, chạy theo những chú đom đóm đang bay vòng tròn, lập lòe. Ban đầu chộp được một vài con, sau lũ đom đóm khôn dần bay ra xa, rúc vào những đám bèo tây trên mặt ao hoặc bụi cây ngoài xa. Chúng tôi huơ lên hua xuống chiếc lọ thủy tinh chứa đom đóm để làm mồi nhử những con đóm đóm sáng đang ở xa trên những mặt ao hồ. Vừa huơ đom đóm vừa hát: “Nếp, nếp, bố mày ăn cơm nếp/Mẹ mày ăn cơm tẻ/Đẻ ra mày rồi mày về với tao”. Quê tôi còn gọi đom đóm là nêm nếp. Câu chú ấy có linh nghiệm gì không mà bọn trẻ cứ nghêu ngao. Chẳng biết có phải là nghe được câu chú hay bị lừa bởi những ánh sáng lập lòe trong lọ thủy tinh mà đom đóm theo về. Bọn trẻ chúng tôi chộp được cả lọ đom đóm, đến nỗi tay chúng tôi còn ám cả cái mùi gây gây hôi hôi, ngai ngái nhựa đom đóm rồi mang vào giấc ngủ.

Cả bọn chúng tôi tụm năm tụm ba đuổi bắt đom đóm chẳng ai thấy sợ. Thế mà khi nằm trong ngôi nhà trát vách bùn rơm, đom đóm bay vào nhà, tôi cảm thấy rờn rợn. Mẹ tôi bảo đom đóm vào nhà là dễ có chuyện không tốt lành. Đấy có thể là linh hồn lạc về theo đom đóm. Thường khi đom đóm bay vào nhà kèm theo những cơn gió nhẹ. Rồi mẹ đọc câu thành ngữ chẳng biết ai đã đúc kết từ bao giờ: “Thứ nhất đom đóm vào nhà/Thứ nhì chuột rúc/Thứ ba hoa đèn”. Người xưa quan niệm chuột rúc rất độc, có lẽ vì lũ chuột sẽ cắn quần áo, các vật dụng trong nhà như là sự thoải mái trong ngôi nhà hoang. Còn hoa đèn là những đốm than đỏ sinh ra do bấc đèn bị cháy mà dầu không thẩm thấu qua được. “Sống dầu đèn, chết kèn trông”, đèn lụi mà không ai khêu thì rõ là người trong nhà thưa vắng rồi. Vả lại, nhà ai bị hoa đèn dễ bị mất trộm hoặc cháy bếp, cháy nhà. Trong số những thứ xui xẻo, độc địa ấy, đom đóm lại đứng thứ nhất. Có thể, đom đóm mang ánh sáng lập lòe, như những lân tinh thường lập lòe, sinh ra ở các nghĩa địa từ những mộ người mới chết. Đó là linh hồn hiện về chăng?

Chuyện mẹ tôi kể về đom đóm mang linh hồn người đã khuất in sâu trong tâm trí tôi. Một thời lũ trẻ con chúng tôi đã chơi đùa với những linh hồn mà chúng tôi không biết. Nhưng dù sao đó cũng là kỷ niệm thời thơ ấu không thể quên, bởi trẻ con chúng tôi còn có những trò chơi dân dã. Tôi kể cho con nghe, khi tôi bằng tuổi con bây giờ thường hay chơi bắt đom đóm. Các con tôi lấy làm thích thú với chuyện tôi kể, nhưng không thể cảm thấy được mùi hương ngai ngái, hôi hôi của đom đóm đi vào giấc ngủ. Giờ đây, mẹ tôi cũng đã khuất xa, có phải mẹ tôi đã trở thành linh hồn theo đom đóm vào nhà, nhắc tôi về những câu chuyện ngày xưa, về hồn quê một thời trong ký ức…

 .

Nguyễn Đình Xuân

Long Biên 13.5.2011  


Advertisement

4 bình luận

  1. Chú Đình Xuân có nhiều kỷ niệm đẹp về nhà quê dễ thương ghê. Hồi nhỏ về quê ngoại, cháu rất sợ đom đóm khi thấy nó sáng lập lòe trong đêm. Các anh em họ con trai thì bắt đom đóm bỏ vào cái ống bơ dọa nhiều lần cháu mới bớt sợ.
    Bây giờ về quê, cháu không còn nhìn thấy đom đóm nữa vì ánh điện sáng hay tại đom đóm bỏ đi?
    Chú vẫn viết thơ cho thiếu nhi vì những kỷ niệm đẹp này phải không hả Chú?

    Thích

  2. Chào anh Xuân,
    Đọc thơ anh đã nhiều, quý tài thơ của anh đã nhiều.
    Nhưng hôm nay, đọc bài này của anh, thực càng quý anh hơn!
    Bài viết man mác buồn, gợi nhớ nhiều kỷ niệm tuổi thơ. Phải chăng kỷ niệm nào, dẫu vui đến mấy, cũng mặc nhiên mang trong nó nỗi buồn của một thời đã qua? Một chú đom đóm bất ngờ dẫn lối bạn đọc BMH đến với một thế giới trẻ thơ trong trẻo & thú vị. Cám ơn anh Xuân nhiều.
    Chúc anh những ngày hạ thật đẹp 🙂

    Thích

    • @Chào chị PKYEN (Phạm Kim Yến?), rất cảm ơn chị đã đọc và có những nhận xét về tác phẩm của NĐX. Quả là những kỷ niệm về tuổi thơ rất sâu đậm, và NĐX đang tiếp tục viết về thời thơ ấu, về quê với những ngày đã sống. Dự định sau tập “Trăng mật với thời gian” sẽ xuất bản tới đây, NĐX sẽ tập hợp, xuất bản tập tản văn vào năm 2012 hoặc 2013, trong đó có nhiều bài viết về quê, kỷ niệm tuổi thơ của mình. Chúc PKY những ngày cuối tuần vui vẻ.

      Thích

  3. @Gửi Ban Mai: Tất cả những điều Ban Mai nói đều đúng. Đom đóm thường sống ở những bờ ao, bụi rậm,ẩm ướt. Bây giờ thì “ao làng lấp xây nhà cao”, thì sao còn chỗ cho đom đóm sống? NĐX viết thơ cho thiếu nhi đúng là từ kỷ niệm và từ bây giờ để viết tặng cho các con. Cảm ơn Ban Mai vào đọc và quan tâm đến sáng tác của NĐX

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: