Nghễnh ngãng thơ (Nguyễn Tấn Ai)

Xưa khi còn ở cái mùa “dĩ thi thủ sĩ”, khi văn chương trường ốc thì thi phú chiếm đến 1/3 hẳn các nhà thơ phải là những nhà thông thái, không như bây giờ hễ chú học trò nào ngờ ngờ nghệch nghệch lại được thiên hạ ác khẩu âu yếm mến tặng cho mấy chữ “ nhà thơ”!

Nhân lan man nghĩ ngợi, lại nhớ ra hình như là ở ngay cái thời huy hoàng nhất của thi phú mà cũng có những chuyện thơ còn hơn cả cậu ngờ cô nghệch.   

Này là câu song hỉ:

Chuyện rằng phú ông nọ muốn kén rể, bèn dán lên cửa  vế đối:

Mã tẩu đăng, đăng mã tẩu, đăng tức mã đình bộ, nghĩa là : Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân.

Câu đối hiểm đến độ đã lâu không ai đối được. Có anh đồ lên kinh ứng thí, ngắm vế đối thở dài. Ngộ là khoá ấy anh đỗ, lại đỗ cao, vào đến tận sân đình. Vua khi khảo sát các quan trạng lại ra vế đối: Kì phi hổ, hổ phi kì, kì quyển hổ tàng thân, nghĩa là: Cờ đuổi theo hổ, hổ đuổi theo cờ, cờ cuốn, hổ dấu mình.

Hai vế hợp như hai giọt nước. Cậu đồ chỉ làm cái việc “di hoa tiếp mộc” mà khoa bảng hôn nhân đều thành. Ô hô! Đêm tân hôn vui quá hớ hênh bèn viết lên tường hai chữ song hỉ tổ chảng ngụ ý hai cái vui nhập một.

Chuyện cứ như cổ tích chàng ngốc gặp may, không biết truyền khẩu thế nào lại không ít người cứ thuận miệng nói bừa rằng cậu trò trong chuyện là Vương An Thạch, tể tướng đời Tống Thần Tông! Quả là oan cho một trong Đường Tống bát đại gia quá!

Câu tứ hỉ lại càng nghễnh ngãng hơn nữa:

Sách Phong tục biên chép bài tứ hỉ như sau:

Cửu hạn phùng cam vũ

            Tha hương ngộ cố tri

            Động phòng hoa chúc dạ

            Kim bảng quải danh thì.

Nghĩa là:

Nắng lâu năm mà gặp mưa ( mừng vui)

Xa quê lại gặp người cũ ( mừng vui)

Đêm đầu tiên của đôi vợ chồng mới ( quá vui)

Học hành  đỗ đạt cao ( vui gì bằng )

Bài thơ được xem là súc tích thâm trầm hiếm có, trò xưa khi lò dò đến trường thi thường ngẫm những bài kinh điển, ắt thuộc bài này ( như học tủ bây giờ vậy!). Ấy vậy mà cũng có chú khoá sinh khi vào trường ốc, gặp vận bỉ, nhớ gà ra nhớ cuốc. Bèn luận:

Nắng  bao nhiêu là lâu, phải là bảy năm, nứt đất khô dòng mới là lâu chứ. Thế là

Thất niên cửu hạn phùng cam vũ

Lại nữa, xa bao nhiêu là xa, phải là ngàn dặm mới là xa chứ. Thế là:

Thiên lí tha hương ngộ cố tri

Và đến ý thứ ba thì cậu bí, niềm vui quá rõ ràng, khó chối cãi!!! Cùng đồ sinh cường đạo, cậu chôm luôn một thái giám bỏ vào đây, thành:

Thái giám động phòng hoa chúc dạ.

Câu cuối cùng có lẽ hợp cảnh hợp người hơn cả nên tình ý tuôn chảy mau lẹ:

Nột nho kim bảng quải danh thì.

Ta thử nhìn lại xem:

Thất niên cửu hạn phùng cam vũ

            Thiên lí tha hương ngộ cố tri

            Thái giám động phòng hoa chúc dạ

            Nột nho kim bảng quải danh thì.

Ra nghĩa:

             Bảy năm khô hạn gặp mưa

            Xa quê ngàn dặm lại vừa gặp nhau

            Cắt rồi mà được lau chau

            Trò dốt lọt thẳng lên đầu xướng danh

Vậy mới là cực kì vui!!!

Thú thật, tôi không biết các bậc chủ khảo trường ốc xưa chấm thế nào, văn chương thế ấy thì phạm qui, mà đầu óc biện luận thế ấy thì lại sáng láng phi thường!

Xưa nay văn chương thi phú vốn nhiều chuyện vui, song những chuyện thế ấy thì đúng là hàng độc, tôi mỗi bận vô duyên nhớ lại, lại cứ cười dài, lại nghĩ dại: Phải chi đời sắm thêm vài chú Tễu kiểu ấy hẳn không chừng người nay không phải ngại ngùng khi lò dò lật vài trang sách cũ!

Nghĩ dại thế, lại không biết mấy mươi phần sai đúng?

.

Nguyễn Tấn Ái

Advertisement

7 bình luận

  1. Giai thoại dân gian thì có nhiều, nho gia danh sĩ ẩn dật thời xưa không thiếu. Lắm kẻ sĩ có muốn ra làm quan đâu ! lui “về vườn” mà mở trường lớp dạy học trò chữ nghĩa thánh hiền để mà nhắc nhở lớp sau phải “tôn sư trọng đạo”, phải “muốn thành kim phải mài sắt “, phải thấu cái đạo lý làm người. Lỡ như sau này có…ra làm quan thì cũng còn lấy cái đức mà chăn dân, lo việc nước chứ không phải “ăn may”, gặp thời hay ô dù che chắn hoặc “con vua thì được làm vua”. Kẻ sĩ chân chính là vậy, họ có ưa gì chốn quan trường ?
    Tôi nghĩ những câu chuyện trên xuất xứ từ dân gian mà ra, dứt khoát là vậy. Chính những kẻ sĩ ẩn dật đó mới có khả năng làm được chuyện này, lớp sĩ tử thọ giáo các thầy ẩn sĩ đó hòa điệu, tiếp nối , cho ra đời những mẩu chuyện , truyền tai nhau, chi chép lại , và cơ may hoặc nhân duyên nào đó , hay cũng có thể có những vị quan trung chính tâm đắc đã tạo điều kiện cho những chuyện , những giai thoại ấy được “sống” và lưu truyền. Đó là những áng văn hay, những tài sản trí tuệ quý hiếm mà không ít đã thất thoát. Nội dung câu chuyện toát lên cái “tầm”, công kích thói “rởm”, thùng rỗng kêu to, trưởng giả học làm sang, phô trương hình thức, những thói hư tật xấu của các vị “tai mắt” trong làng…
    Những chuyện như vậy thường được đại đa số cộng đồng dung nạp , đồng cảm, ưa thích , truyền bá thêm và đặc biệt làm cho người ta nhớ lâu ví như chuyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, hay giai thoại về các câu đối v.v…Cũng có thể xuất phát từ chuyện có thật, nhưng phần lớn là sản phẩm hư cấu, hoặc hư cấu thêm trên cái nền có thật như câu đối : “Miệng kẻ quan ( sang ) có gang có thép”- “Quần nhà khó vừa nhọ vừa thâm” chẳng hạn .
    Muôn đời những giai thoại văn chương như thế luôn có giá trị, cần phải được ôn lại để không bị thất thoát.
    Tôi nghĩ thế có đúng không ?

    Thích

  2. Anh Phạm Phù Sa!
    Suy luận của anh rất logich, nghe rất đã!
    Cảm ơn anh!
    Ái.

    Thích

  3. Lâu rồi trên BMH, anh Tấn Ái chưa công bố bài viết mới sao?

    Thích

  4. Tấn Ái thân,
    Những Tản Mạn trong Cầm Vàng Mà Lội xuống Sông rất sâu sắc. Mình rất thích với văn phong tưng tửng, hàng độc ấy. Chúc khoẻ, và sản xuất thêm “hàng VN chất lượng cao” như tập tản mạn ấy.
    Doãn Lê

    Thích

  5. Anh Doãn Lê thân mến!
    Biết anh là giáo viên anh văn giữa lòng phố cổ, lại rất nghệ sĩ nữa, thật hâm mộ mà chưa có dịp trò chuyện nhiều!
    Cảm ơn anh đã có thiện cảm với cách viết của Ái!
    Hi vọng sẽ hiểu nhau nhiều hơn anh nhé!
    Ái

    Thích

  6. Em chào anh, anh khỏe không? Lâu rồi chưa trở lại BMH, nay đến thăm anh, chúc anh cuối tuần thật vui.

    Thích

    • Ái chào anh Xuân!
      Cảm động lắm anh à! Ái vẫn khỏe, vì bận việc, Ái đang dạy 56 tiết / tuần, có thu nhập nhưng nhọc nhằn lắm anh à!
      Đang chuẩn bị một loạt bài viết để trở lại trò chuyện cùng anh em!
      Ái vẫn đọc anh 3 lượt\ tuần đấy anh ạ!
      Và khi không thấy anh Ái cũng nao lòng lắm!
      Gọi nhau là thân mến nhé anh Xuân!
      Nguyễn Tấn Ái

      Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: