• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 1 049 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 1 049 other subscribers

Tại sao đa số hoa ở Miền Nam nở vào mùa Xuân? (Túy Phượng)

* TS Trần-Đăng Hồng, nguyên giảng viên Đại Học Nông Nghiệp Cần Thơ (Việt Nam), giảng viên và nghiên cứu tại Department of Agriculture, The University of Reading, UK. Ông đã đóng góp 6 quyển sách do International Plant Genetic Resources Institute (IPGRI, Rome) xuất bản và hơn 80 bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa thực vật học.

Trong thực tế mùa nào cũng có hoa. Có như vậy các loài ong và chim hút mật sống nhờ hoa mới có thể tồn tại. Nhờ hoa nở quanh năm nên phong cảnh thiên nhiên có đầy màu sắc suốt bốn mùa. Mỗi loài thực vật nở hoa vào những thời điểm khác nhau. Hoa có thứ đẹp, có thứ không, có thứ mùi thơm, cũng có thứ mùi khó ngửi. Khi nói đến hoa, mọi người thường chỉ nói đến hoa đẹp, có màu sặc sở. Vì vậy, vào mùa Xuân người ta thường nói đến hoa lan, hoa đào, hoa mai, các loại hoa chưng ngày tết như cúc, vạn thọ, v.v. Để nhớ kỹ niệm thời học trò, ai cũng nghĩ đến hoa phượng đỏ sân trường trong dịp hè. Hè cũng là mùa của hoa ô môi đỏ rực dọc bờ sông, hoa sim nở tím đồi núi, sen nở hồng trong các ao hồ. Trong dịp Trung Thu, các bạn già ngồi nhìn trăng, vừa nhẩm trà vừa thưởng thức bánh, hứng thú lại ngâm thơ để đón chờ hoa quỳnh nở. Mùa Thu cũng là mùa hoa cúc.

                                                                                       Mùa Xuân sang có hoa anh đào

“Sen tàn cúc lại nở hoa” (Truyện Kiều).

 Hoa nào tiêu biểu của mùa Đông ở Việt Nam? Thú thật tôi không biết. Ở các nước có khí hậu thật lạnh trong mùa Đông, thì chỉ có một vài loại cây thân mộc có hoa nở đẹp trong mùa này, tiêu biểu như hoa trà Camellia sasanqua của Nhật; hay Daphne bholua, Daphne odoratum có hoa nở thơm phức đúng vào dịp Giáng sinh trong vườn nhà tôi ở Reading. Còn ở Việt Nam, vì mùa Đông không lạnh, vô số giống cây cùng một loài (species) có hoa nở trải dài từ mùa Thu, qua Đông đến Xuân hay Hè. Cũng có loại cây trong năm hoa nở rộ hai lần cách xa. Vì vậy thật sự khó phân biệt hoa nào tiêu biểu cho mỗi mùa ở Việt Nam, nhất là ở Miền Nam. Việt Nam có khoảng 12 ngàn loài cây có hoa, đa số là giống hoang dại, có hoa từ tháng 11 đến tháng 5 dl. Tại sao vậy?

Thích ứng để sinh tồn (Adaptation for survival)

Đây là một định luật của thiên nhiên áp dụng cho mọi sinh vật: Không thích ứng được với môi trường mới thì sinh vật đó bị diệt vong. Thực vật xuất hiện trên địa cầu cách đây khoảng 2,7 tỷ năm. Kể từ đó đến nay, trái đất đã trải qua không biết bao nhiêu “cuộc bể dâu”, đất liền hóa biển, biển sâu nổi lên thành núi, rồi trải qua các thời đại băng hà, qua bao chu kỳ “hâm nóng toàn cầu” tiếp theo “thời kỳ đông giá”. Lượng CO2 trong khí quyển có thời gia tăng gấp 100 lần hiện nay, có thời chỉ bằng phân nửa hiện nay. Cứ mỗi lần biến đổi như vậy, một số sinh vật bị tuyệt chủng. Số sinh vật sống sót phải “tự diển biến” để sinh tồn, hoặc bộc phát qua “ngẫu biến di truyền” (mutation) hoặc từ từ diễn biến qua cơ cấu di truyền tiến hóa để các thế hệ sau thích ứng hơn. Qua bao triệu năm, thực vật đã biến hóa không ngừng, biến thành đa chủng, đa loài, làm phong phú đa dạng sinh vật (bio-diversity) thích hợp cho mỗi vùng địa lý lớn, và từng vùng địa lý nhỏ với khí hậu đặc thù để tạo thành các loài bản-địa của từng vùng. Trung bình cứ khoảng 10 ngàn năm một loài thực-vật-thân-mộc-sống-lâu-năm mới (như cây rừng) xuất hiện, còn loại thực-vật-chu-kỳ-ngắn vài ba tháng (như cải Arabidopsis) thì chỉ cần 1-5 năm là có một dòng mới trong thiên nhiên do ngẩu biến tạo nên. Hiện tại cả thế giới có khoảng 250 ngàn loài thực vật có hoa, Việt Nam có khoảng 12 ngàn loài.

 Cây cũng “biết trời” “biết ta” để sinh tồn

Cây truyền chủng qua hạt (hột). Để con cháu sinh tồn, cây phải biết ra hoa, kết trái, rụng hạt lúc nào để hạt mọc thành cây con, và cây con có khả năng sống sót qua nghịch cảnh của môi trường. Hai yếu tố quan trọng nhất để thực vật sống và tăng trưởng là nước nhiệt độ.

Ở vùng ôn đới, mưa phân phối quanh năm, nên yếu tố nước không quan trọng. Chính nhiệt độ giữ vai trò chính yếu cho sinh tồn. Hạt không nẩy mầm được khi lạnh, và cây con có thể bị chết vào mùa băng giá, nên cây vùng ôn đới biết lúc nào cho hột chín và rụng, để cây con không bị chết vì lạnh. Ngoài việc tránh “giết con” vì thời tiết, cây vùng ôn đới còn biết cách “che chở” hạt sống qua mùa đông giá buốt lâu dài, hoặc bằng cách dạy hạt biết “ngủ” (hưu miên, dormancy), ngủ bao lâu, và biết lợi dụng giá buốt để kích động cây con nẩy mầm và ra hoa khi tới tuổi trưởng thành, qua hiện tượng đông-hàn hay xuân-hóa (vernalisation).

Ở vùng nhiệt đới, vì trời ấm hay nóng quanh năm, nhiệt độ trở thành không quan trọng. Ngược lại, nước mới quan trọng, vì mưa theo mùa. Chẳng hạn ở Miền Nam Việt Nam, có 2 mùa nắng mưa rõ rệt, mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4, và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 DL. Vì vậy, mỗi loài cây phải tự “kế hoạch” cho mình, để thế nào hạt nẩy mầm được khi có nước trong mùa mưa, và cây con có đủ hệ thống rễ khả dĩ sống được trong mùa khô hạn kéo dài, chờ đợi mùa mưa năm tới.

Muốn vậy, mỗi loài cây phải “biết thời tiết” để tự “kế hoạch sinh sản”, vì nếu ra hoa trật mùa, hột sẽ chết vì không nẫy mầm, hay nẫy mầm nhưng cây con sẽ chết yểu vào mùa khô hạn.

Mỗi loài cây cũng phải tự “biết mình” là từ ngày ra hoa đến ngày hạt chín rụng là bao nhiêu ngày, nó cũng phải biết là hạt có thể sống bao lâu trong đất trước khi gặp nước để nẩy mầm, và nẩy mầm vào thời điểm nào để cây con đủ sức có khả năng sống sót trong mùa hạn.

Chẳng hạn, cây Dầu (Dipterocarpus spp.), cây Sao (Hopea odorata) tự nó biết rằng hạt của nó không sống quá 7 ngày sau khi rụng, và cây con phải có đủ 4-5 tháng tăng trưởng mới không chết trong mùa nắng hạn (từ tháng 12 đến tháng 4), vì vậy trái phải rụng vào đầu tháng 5, khi mùa mưa bắt đầu. Nó cũng biết rằng, từ ngày phát động khối-sơ-khởi-tạo-hoa đến ngày trái chín rụng là 100 ngày. Vì vậy, hể tới khoảng ngày 20/1, các loại cây này tự phát động khối-sơ-khởi để đến khoảng 20/3 hoa nở và trái chín rụng vào 1/5 dl.

Cây vên-vên (Anisoptera costata), bà con với cây Dầu, biết rằng hạt của nó có thể sống 2-3 tuần sau khi rụng, nên nó phát động ra hoa sớm hơn để trái rụng từ giữa tháng 4 cho tới đầu tháng 5 dl.

Cây bằng-lăng có hoa màu tím đẹp nở hoa vào tháng 4 và 5, hay rãi rác tới tháng 7. Một trái có tới ngàn hạt nhỏ, hạt sống lâu lại dễ nẩy mầm, cây con cũng không sợ chết vì thiếu nước, vì nó tập trung ở những nơi ẩm ướt ven sông, suối trong rừng.

Cây ăn trái bản địa như xoài, mít, nhản, chôm chôm, v.v. mà hột không sống lâu được đều trổ hoa trong mùa Xuân để trái chin vào đầu tới giữa mùa mưa.

Như vậy, hầu hết cây bản địa của Miền Nam đều nở hoa trong dịp Xuân hay đầu hè, vì lý do sinh tồn của giống nòi.

.

( còn tiếp)

Trần Đăng Hồng – Anh Quốc.

.Túy Phượng

Sưu tầm

Một bình luận

  1. Chị quý mến,
    Cám ơn chị về những bài viết cho học trò (và phụ huynh học trò là em đây) được thêm nhiều kiến thức.

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Banmaihong's Blog

Nơi Đây Nắng Ban Mai Hồng Reo Vui

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents