Khái niệm tình yêu vô cùng rộng, lớn bao trùm cả nhân gian, thiên hạ, gia đình, tổ quốc yêu người, thiên nhiên, sự vật trên đời….
Bách khoa toàn thư định nghĩa tình yêu như thế này: “Tình yêu là một khái niệm đa nghĩa trong cách diễn đạt và cách hiểu của mọi người, nhưng theo nghĩa chung nhất, tình yêu là trạng thái tình cảm của chủ thể này đối với một chủ thể khác ở mức cao hơn sự thích thú và phải nảy sinh ý muốn được gắn kết với chủ thể đó ở một khía cạnh hay mức độ nhất định.
Chủ thể của tình yêu, ngoại trừ một số trường hợp được nhân cách hóa, còn lại đều là con người. Còn chủ thể tác động của tình yêu thì rất đa dạng, có thể là bất kỳ thứ gì, từ đơn giản đến phức tạp, từ nhỏ bé đến vĩ đại, từ hữu hình đến vô hình.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ không thoả mãn với định nghĩa về tình yêu đôi lứa giữa nam và nữ theo Wikipedia: “Tình yêu giữa hai giới tính nam và nữ (hoặc giữa những người cùng giới) được định nghĩa là “Hệ quả của sự kết hợp giữa bản năng và trí tuệ của con người”.
Định nghĩa trên hình thành từ khái niệm “bản năng con người” và “trí tuệ con người”.
Theo triết học: tình yêu là một loại tình cảm giữa người và người, hướng con người đến Chân, Thiện, Mỹ.
Chúng ta không phải triết gia nên cũng không cần băn khoăn về định nghĩa về tình yêu. Vì ngay đến các thi sĩ, nhạc sĩ nhiều rung cảm và đa tình còn không lý giải được tình yêu một cách rành mạch mà
Hôm nay Lễ Tình Nhân ta thử xem các thi sĩ và nhạc sĩ nói gì về Tình Yêu đôi lứa của Valentine thôi nhé.
Tình yêu, chẳng biết khi nào và ở tuổi nào bắt đầu, có lẽ không chỉ tuổi 20 mới bắt đầu yêu như Huy Cận:
“ Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ.
Một hôm, trận gió tình yêu lại,
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư.”
Chỉ biết khi anh chợt nhận ra một cảm giác rất lạ xao xuyến, bồi hồi, ấy là lúc biết yêu:
“Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn tự hỏi hay tôi yêu nàng”
(Cô Hàng Xóm, Nguyễn Bính)
“Lòng anh như hoa hướng dương
Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời
“Nắng mưa là bệnh của Trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”
(Nguyễn Bính)
Hàn Mặc Tử bảo ta rằng:
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Ðể nghe tơ liễu rung trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa yêu.”
Tình yêu của Bàng Bá Lân và Em của Đức Huy nhất định phải rất đẹp như một bài thơ, là nguồn mơ bướm hoa, mơ yêu trong một chiều xuân hạnh phúc:
“Yêu nhau từ một buổi chiều
Một chiều xuân đẹp có nhiều bướm hoa
Em là cả một bài thơ
Em là cả một nguồn mơ ái tình.”
“Và tôi cũng yêu em, và tôi cũng yêu em,
Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn
Và tôi cũng yêu em, và tôi cũng yêu em,
Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn, yêu em, chứa chan.”
(Đức Huy, Và Tôi Cũng Yêu Em)
Tình yêu dường như gắn liền với mùa Xuân vui, phải chăng vì mùa xuân gắn liền với tuổi trẻ
“Bên em bên em anh say trong hạnh phúc
Đôi môi em anh ngỡ cánh đào
Bên anh bên anh em nghe trong lòng hát
Những giai điệu tình yêu.
Ta đi bên nhau đón xuân đang về tới
Hồn hòa vào cùng với đất trời
Xin nâng ly lên chúc nhau thêm hạnh phúc
Cuộc đời mãi thắm tươi”
(Khúc Giao Mùa, nhạc sĩ Huy Tuấn)
Ngày ấy khi Xuân ra đời
Một trời bình minh có lũ chim vui
Có lứa đôi, yêu nhau rồi
Hẹn rằng còn mãi không nguôi
(Johann Strauss Jr, Khúc Hát Thanh Xuân, lời Việt Phạm Duy).
Tình yêu cũng lắm khi mù quáng và luôn mãnh liệt cả trong niềm vui và nỗi buồn với Sức công phá của tình sầu này quả kinh hoàng đến độ thiêu cháy trên thân xác người ( Tình Sầu, Trịnh Công Sơn, và cũng giết chết tâm hồn như thở than của nhà thơ lãng mạn Xuân Diệu khi lạc lối yêu và bị phụ tình :
“Tình yêu như trái phá con tim mù loà.
Một mai thức dậy, chợt hồn như ngất ngây, chợt buồn trong mắt nai,
rồi tình vui trong mắt, rồi tình mềm trong tay.
“Tình yêu như vết cháy trên da thịt người.
Tình xa như trời, tình gần như khói mây,
tình trầm như bóng cây, tình reo vui như nắng, tình buồn làm cơn say”
(Tình Sầu, Trịnh Công Sơn)
Yêu là chết trong lòng vì bị phụ rẫy hay tương tư bởi yêu đơn phương. Yêu là cho nhiều hơn nhận:
“Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết
Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt
Những người si theo dõi dấu chân yêu
Và cảnh đời là sa mạc vô liêu
Và tình ái là sợi dây vấn vít
Yêu, là chết ở trong lòng một ít”
( Yêu, Xuân Diệu)
Trời ạ, biết yêu là chết cả cõi lòng, thế mà cứ yêu, hăm hở yêu là bởi vì sao?
Thử xem có ai kháng cự được ma lực của tình yêu, vì ta ai chẳng lạ gì nỗi đắm say của Hồ Tôn Hiến:
“Nghe càng đắm ngắm càng say
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình !
( Kiều, Nguyễn Du)
Tình mười năm vẫn mới tinh khôi như thuở ban đầu hò hẹn:
“Mười năm chừng mới hôm nay
Hương trinh ngây ngất còn say đắm hồn
Còn nghe thơm nụ môi hôn
Còn nghe rung động lần hôn buổi đầu.”
Hà Liên Tử
“Mắt em lấp lánh sao rơi
Môi em như đóa mộng đời ngất ngây
Hằn trên môi vị cay cay
Hồn anh ngơ ngẩn đắm say một đời“
(Nụ Hôn Trinh Nguyên, Hồng Vũ Lan Nhi)
Người yêu là cả vũ trụ, là mặt trời, nắng ấm. Vắng người yêu, nắng không vàng, cây lá không xanh, vắng bóng một người cả thế giới sẽ trở thành hoang vắng.
Xa người yêu, Thuý Kiều của thi hào Nguyễn Du cũng thấy cô lẻ, ngay cả vầng trăng tròn trên cao chỉ còn một nửa:
iều cũng thấy mọi thứ đều chỉ còn một nửa, ngay cả vầng trăng trên cao:
“Vầng trăng ai sẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.”
Khi người yêu ra đi, Hàn Mặc Tử thấy lòng hiu hắt, thẫn thờ
“Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.”
(Những giọt lệ, Hàn Mặc Tử)
“Hiu hắt lòng ta như thiếu nắng Như những ngày những tháng không em”
Chế Lan Viên
“Ý thu lạnh len vào trong gió
Lòng se lòng nỗi nhớ dâng lên
Chân trời cánh nhạn bóng chim
Lòng anh chỉ một bóng em hẹn chờ”
Đinh Huyền
Nếu Vũ Quần Phương thành tro vì bị sức nóng của Nàng áo đỏ thiêu cháy thì núi đá của Đinh Hùng thẫn thờ nhung nhớ:
“Áo đỏ em đi giữa phố đông
Cây xanh như cũng ánh theo hồng
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro em biết không”
(Vũ Quần Phương)
“Em đi dẫy núi nhìn ngây ngất
Đá cũng tình si nhớ gót son”
Em đi rồi then khóa cả chiêm bao
Gầy vóc mộng gói tròn manh áo nhớ
(Đinh Hùng)
Không nỗi khổ nào hơn vắng nàng, hệt như kẻ thất tình: rã rời, héo úa như Nguyễn Nhật Ánh với Phía Không Nhau
“Anh đi về phía không em
Một ngày ngạo nghễ, nghìn đêm rã rời
Môi khô cố thắm miệng cười
Héo vàng gượng gạo nói lời tươi xanh”
( Nguyễn Nhật Ánh)
Người yêu xa cách, tuy nhung nhớ nhưng vẫn còn niềm hạnh phúc của “nhớ” và “được nhớ”.
“Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi”
(Một Nửa Trăng, Hàn Mạc Tử)
Vũ Hoàng Chương cất lên một tiếng than:
” Em ơi lửa tắt bình khô rượu Đời vắng em rồi say với ai”
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng đã thốt lên tiếng lòng biệt ly của bao người qua mấy vần thơ trong bài Chưa Bao Giờ Buồn Thế, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Tiễn em về xứ mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách
( Tiễn Em, Phạm Duy)
Nhạc sĩ Doãn Mẫn đã làm bao trái tim yêu thổn thức với tình khúc bất tử Biệt Ly:
“Biệt ly nhớ nhung từ đây.
Chiếc lá rơi theo heo may.
Người về có hay.
Biệt ly sống trên dòng sông.
ôi còi tàu như xé đôi lòng
và mây trôi nước trôi ngày tháng trôi cùng lướt trôi.
Mấy phút bên nhau rồi thôi.
đến nay bóng em mờ khuất.
Người về u buồn khắp trời.
Người ra đi với ngàn nhớ thương.”
(Biệt Ly, nhạc sĩ Doãn Mẫn)
Đau khổ biết bao khi cuộc tình đã đi vào dĩ vãng qua những giai điệu đẹp mà sầu của Phạm Duy trong Nghìn Trùng Xa Cách.
“Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu……..
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau
Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu
Có lũ kỷ niệm trước sau
Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ
Rồi sẽ tan đi mịt mù
Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho
Thả gió bay đi mịt mù”
Cuộc tình như những dòng sông nhỏ, khi ra khơi là cuộc đi biền biệt, mưa đã cuốn trôi cả lời thề xưa nhẹ quá, trong cuộc tình u mê:
“Giọt rượu nào mãi chua cay
Trong tình vẫn u mê”
“Ôi tiếng buồn rơi đều
Nhìn lại mình đời đã xanh rêu.”
”Từng người tình bỏ ta đi
Như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ
Lời hẹn thề là những cơn mưa”
(Tình Xa, Trịnh Công Sơn)
Và hờn trách ai bạc tình như thi sĩ Nguyễn Bính:
“Ai đem rắc bướm lên hoa
Rắc bèo xuống giếng rắc ta vào nàng
Ai đem nhuộm lá cho vàng
Nhuộm đời cho bạc cho nàng phụ ta”
(Rắc Bướm Lên Hoa, Nguyễn Bính)
Tình yêu có đủ cung bậc, sau những ngày vui qua mau, là nỗi buồn xa vắng
“Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi
Rơi rơi dìu dịu rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ”
“Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi”
( Huy Cận)
Vì thế nên có lời van vỉ xin sóng cứ vỗ bờ đứng ngược ra khơi, mà hãy gắn bó như thuyền và biển.
“Em là sóng nhưng xin đừng như sóng
Đã xô vào xin chớ ngược ra khơi”
(Đỗ Trung Quân)
“Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau – rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió”
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố.”
(Thuyền và Biển, Xuân Quỳnh)
Tình yêu là thuỷ chung một lòng nhưng phải là từ hai phía nhìn về một hướng :
“Tôi vẫn luân hồi muôn kiếp nhớ
Cho dẫu ngày mai ai lãng quên”
(Hoài Phương)
“Này em ơi dòng sông bao giờ cạn
Mối tình ta có phai lạt không em
Ngẩng đầu lên ánh trăng vàng run rẩy
Đổ tràn lên mái tóc đẫm sương đêm
Qua kẽ lá kìa ngôi sao nhìn trộm
Hắn nhìn em say đắm gục vai anh”
( Khương Lam)
Và hờn ghen như Nguyễn Bính bởi quá yêu:
“Cô nhân tình bé của tôi ơi!
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi, và mắt chỉ
Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi.”
“Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi,
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi,
Và nghĩa là cô và tất cả,
Cô, là tất cả của riêng tôi.”
Mùa Xuân, mùa tình yêu nên cũng là ước mơ của đôi lứa:
“Ta yêu nhau thiết tha
Mạ ngoài đồng em cấy lúa ba trăng
Em ơi anh vẫn chờ
Để em về thưa với mẹ
Khi ra giêng tính liền
Hẹn đợi năm sau cánh đồng mình gặt hái xong thảnh thơi
Ra giêng anh cưới em”
( Ra Giêng Anh Cưới Em)
Mùa Valentine nên chúng ta hãy cầu chúc cho những người yêu nhau hãy hạnh phúc cùng chia sẻ vui buồn suốt đời bên nhau như đôi uyên ương trong ngày tân hôn cho đến tận khi tóc không còn xanh nữa:
“Em bên mình anh, lặng im dưới ban thờ
Và quanh chúng ta là vui sướng chan hoà .
Tình duyên nhỏ bé thành đôi ước mơ già
Bao nhiêu tóc tơ, giờ đây đã kết se .
Ta bên mình nhau, rồi đi suốt con đường
Đưa ta suốt đời về nơi xứ Thiên Đường
Về nơi tổ ấm nhờ ơn Đức cao vời, Ơn Mẹ Mari-a .
Người yêu ơi ! Ơi người ! Người yêu dấu ơi !
Cùng bên nhau suốt đời, cùng chia sớt nỗi vui
Hay nỗi sầu, cùng cho nhau biết bao là yêu,
Ví dầu đời qua mau, với mái đầu, rồi đây sẽ trắng phau .
Ôi vai kề vai, và tay nắm tay rồi,
Đời thôi vắng tanh, lẻ loi kết đôi rồi !
Từ nay nồng ấm, đời thôi hết u hoài .
Ave Mari-a
Ôi tình chăn gối bao la
Sẽ mang về mãi tận cõi già .”
Ave Maria, Ngày Tân Hôn – lời Việt Phạm Duy.
Filed under: Mùa Xuân, Tình yêu | Tagged: Âm nhạc, Chúc Mừng, Mùa Xuân, Tâm Hồn, Tình yêu, Tản mạn, Thơ, Thơ, Văn hoá, Văn hoá |
Chị ơi ! Chị sưu tầm nhiêu vần thơ tình hay thế.Đúng tình yêu là đề tài bất tận trong thi ca .Xin chúc mừng chị và anh chị em BMH luôn dào dạt tình yêu nhân loại.
Hồng Phúc .
ThíchThích