Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy
Thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi !
Quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ti mộ thành tuyết?
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
Mạc sử thiên tôn không đối nguyệt
Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,
Thiên kim tán tận hoàn phục lai.
Phanh dương tể ngưu thả vi lạc,
Hội tu nhất ẩm tam bách bôi.
Sầm phu tử!
Đan Khâu sinh.!
Tương tiến tửu,
Bôi mạc đình!
Dữ quân ca nhất khúc,
Thỉnh quân vị ngã khuynh nhỉ thính.
Chung cổ soạn ngọc bất túc quý,
Đản nguyện trường túy bất nguyện tinh
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.
Trần Vương, tích thời yến Bình Lạc,
Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước.
Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền,
Kính tu cô thủ đối quân chước.
Ngũ hoa mã,
Thiên kim cừu,
Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.
.
Lý Bạch
Dịch nghĩa
.
Cùng Mời Rượu
.
Anh không thấy nước sông Hoàng Hà,
Từ trời cao đến vội chảy về đông chẳng quay đầu lại
Anh không ngắm gương sáng trên nhà buồn cho tóc bạc,
Sáng như tơ xanh, chiều đã thành tuyết.
Người sống lúc đắc ý phải vui cho trọn,
Đừng để đáy ly không mặt trăng chiếu.
Trời sinh ta có tài tất có việc dùng.
Ngàn vàng tiêu hết, rồi sẽ có lại.
Giết trâu, mổ dê thả sức mà vui.
Dồn lại uống một lần 300 cốc.
Này : Phu Tử Sầm, Tiên sinh Đan.
Cùng mời nhau nâng, đừng dừng ly.
Vì các anh tôi ca một bài,
Mời anh vì tôi nghiêng tai mà nghe.
Trống chiêng vàng ngọc không đủ quí.
Chỉ nguyện cho say mãi không muốn tỉnh.
Người xưa thánh hiền đều mai một cả,
Chỉ có uống mới để tiếng muôn thuở.
Thời xưa, vua Trần mở tiệc ở Bình Lạc,
Dùng mười ngàn đấu rượu để mua vui.
Này chủ quán đừng sợ thiếu tiền mà ngại,
Xin mời cùng tôi cứ luân phiên rót.
Đây: Ngựa ngũ hoa, áo long cừu,
Bảo trẻ đem đi đổi lấy rượu ngon.
Cùng tôi để tiêu đi cái sầu vạn cổ.
.
Dịch Thơ
.
Anh không thấy nước Hoàng Hà,
Nguồn trời nôn chảy thẳng đà về đông,
Đổ xuôi nước chẳng ngược dòng.
Sao anh không ngắm gương trong trên nhà?
Tóc xanh buổi sáng mượt mà,
Về chiều bạc trắng như là tuyết rơi.
Hứng thì cứ trọn vui chơi,
Đừng cho chén ngọc cạn phơi trăng vàng.
Đã tài chi sá lo toan,
Của muôn tiêu hết sẽ hoàn lại ngay.
Trâu dê mổ để vui say,
Dồn ba trăm cốc uống ngay một lần.
Này: xin hai bác Đan, Sầm,
Mời nhau cứ cạn đừng phân nào dừng.
Tôi vì hai bác hát mừng,
Vì tôi yên lặng nghe từng khúc ca.
Trống, chiêng ngọc quí đâu mà,
Nguyện say, say mãi lọ là tỉnh chi?
Thánh hiền xưa cũng quên đi,
Riêng người uống rượu danh ghi đời đời.
Xưa Trần Vương, mở tiệc chơi,
Mười ngàn vò rượu mua vui chẳng phiền.
Quán ơi, đừng ngại thiếu tiền,
Cùng tôi, mời cứ luân phiên rót đầy.
Áo cừu, ngựa quí sẵn đây,
Bảo trẻ đem hết đổi ngay rượu đào.
Nâng lên ta cạn đi nào,
Cùng tôi tiêu hết nỗi sầu nghìn thu.
.
Anh Dược kính,
Em rất thích bài thơ này của Lý Bạch. Em post lên 8 bản dịch khác để tiện tham khảo và mọi người thưởng thức tài dịch thơ Đường của anh :
1. Bản dịch của Ngô Tất Tố
Sông Hoàng Hà lưng trời tuôn nước
Xuống biển rồi có ngược lên đâu
Lầu cao, gương xót mái đầu
Sớm còn tơ biếc, tối hầu tuyết pha
Vui cho trọn khi ta đắc ý
Dưới vầng trăng đừng để chén không
Sinh ta trời có chỗ dùng
Nghìn vàng tiêu hết lại trông thấy về
Chén đi đã trâu dê cứ giết
Ba trăm ly phải hết một lần
Khâu, Sâm hai bác bạn thân
Rượu vào xin chớ ngại ngần ngừng thôi
Ta vì bác hát chơi một khúc
Bác vì ta hãy chúc bên tai
Ngọc vàng chuông trống mặc ai
Tỉnh chi ? chỉ muốn cho dài cuộc say
Bao hiền thánh đến nay ai rõ
Phường rượu ta tên họ rành rành
Trần Vương bữa tiệc quán
Bình Mười phần đấu rượu thỏa tình đùa vui
Chủ nhân chớ ngậm ngùi tiền ít
Mua rượu ta chén tít cùng chau
Ao cừu, ngựa gấm để đâu ?
Gọi con đem đổi vài bầu rượu ngon
2. Bản dịch của Hải Đà
Bạn chẳng thấy:
Nước sông Hoàng từ trời cao đổ xuống
Chảy ra khơi cuồn cuộn chẳng quay về
Gương lầu cao sáng soi sầu bạc tóc
Sớm tơ xanh chiều tuyết trắng lê thê
Đời đắc ý cho niềm vui tận hưởng
Chén vàng kia đừng cạn dưới trăng ngàn
Trời sinh ta tất có nơi hữu dụng
Tiêu hết đi rồi lại có nghìn vàng
Giết bò dê để tìm vui lạc thú
Uống một lần ba trăm chén như không
Bác Sầm, Đan! đừng bao giờ ngưng lại
Rượu dâng lên hãy hát khúc nghe cùng
“Chuông trống giữa tiệc ngon chẳng quý
Tỉnh làm chi, thích chí say dài
Thánh hiền bặt tiếng xưa nay
Chỉ dân uống rượu mới hoài lưu danh !
Bình Lạc có Trần vương yến tiệc
Rượu vạn đồng, mặc sức vui cười
Chủ sao bảo thiếu tiền chơi
Mau mua rượu cùng bạn đời nâng ly !
Ngựa năm sắc, áo cừu bông ấm
Hãy đem đi đổi lắm rượu ngon
Rượu ngon cạn chén vui chung
Mối sầu muôn thuở ta cùng phá tan”
3. Bản dịch của Vũ Hoàng Chương
Ngươi chẳng thấy từ cao đổ xuống
Nước sông Hoàng cuồn cuộn ra khơi?
Một ra biển, chẳng về trời;
Nhà cao gương sáng thương ai bạc đầu!
Sớm như tơ, xanh màu tóc ấy
Chiều đã như tuyết đấy… biết không ?
Thì vui sao chẳng đến cùng?
Việc đời dễ được như lòng mấy khi !
Đừng để chén vàng kia trơ đáy
Cùng vầng trăng đây đấy ngẩn ngơ.
Trời sinh tài, chẳng để hư;
Ngàn vàng, một trắng tay ư?… Lại về…
Hãy mổ thịt trâu dê mà khoái,
Gặp nhau đây là phải say sưa,
Uống, xin đừng một giọt thừa,
Ba trăm chén, hãy cho vừa một hơi.
Ý ta muốn chén mời chẳng gác
Chớ dừng tay, hai bác Đan, Sầm!
Vì nhau một khúc ca ngâm,
Lẳng tai, nào bạn tri âm đó hề!
Của trước mắt đủ gì quý báu,
Cho ngọc ngà! Cho dẫu trống chuông!
Nguyện say một giấc ra tuồng,
Mình ta tỉnh, bốn phương cuồng… nhảm chưa?
Đều thế cả… từ xưa hiền thánh,
Cũng giờ đây nằm lạnh thời gian.
Tiếng tăm còn để trần hoàn,
Chỉ duy có gã say tràn cung mây.
Trần Vương trước, tiệc vây Bình Lạc,
Rượu ngàn chum thả sức vui đùa.
Chủ nhân, nào! đã nhớ chưa?
Nói chi tiền ít mà thưa dặt dìu!
Ngựa Hoa đấy, áo Cừu cũng đấy,
Gọi trẻ đem đổi lấy rượu… mau!
Ta cùng Ngươi… lại cùng nhau
Uống cho ngàn trước ngàn sau tan buồn.
4. Bản dịch của Hoàng Tạo Và Tương Như
Há chẳng thấy
Nước sông Hoàng từ trời tuôn xuống
Chảy nhanh ra biển,chẳng quay về,
Lại chẳng thấy
Thềm cao gương soi rầu tóc bạc
Sớm như tơ xanh, chiều tựa tuyết ?
Đời người đắc ý hãy vui tràn,
Chớ để bình vàng suông bóng nguyệt !
Trời sinh thân ta, hẳn có dùng,
Nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến.
Mổ dê, giết trâu, cứ vui đi,
Uống liền một mạch ba trăm chén !
Bác Sầm ơi ! Bác Đan ơi !
Sắp mời rượu, chớ có thôi !
Vì nhau tôi xin hát,
Hãy vì tôi hai bác nghe cùng :
“Này cỗ ngọc, nhạc rung, chẳng chuộng,
“Muốn say hoài, chẳng muốn tỉnh chi !
“Thánh hiền tên tuổi bặt đi,
“Chỉ phường thánh rượu tiếng ghi muôn đời !
“Xưa Trần Vương yến nơi Bình Lạc,
“Rượu tiền muôn đùa cợt tha hồ”
Chủ nhân kêu thiếu tiền ru ?
Để cùng dốc chén, ta mua đi nào !
Đây ngựa gấm, đây áo cừu,
Này con, đổi rượu hết,
Cùng nhau ta giết cái sầu nghìn thu !
5. Bản dịch của Hữu Loan
Thấy chăng ai Hoàng Hà như thác dốc tự trời cao
Cuồn cuộn về khơi tráo ngược lại làm sao ?
Thấy chăng nữa cao gương sáng thương cho tóc
Sáng mới tơ xanh chiều đà như tuyết!
Người đời ơi! Đắc chí cứ vui tràn
Chớ để ráo nậm vàng khuya trăng ngó!
Trời sinh ta “tài không để bỏ”
Nghìn vàng vung tay trắng xoè lại có!
Nướng dê, mổ trâu nhắm tuyệt vời!
Nâng chén mời nhau ba trăm chén một hơi
Này Sầm phu tử!
Người Đan Khâu ơi!
Đã uống thì luôn tay chén chớ rời
Cùng người ta hát khúc…
Nghiêng tai này bác lắng nghe tôi:
Thức ngọc mâm vàng, trống chiêng sao đủ quý?
Ai tỉnh thì ai say suốt đời thề túy lúy!
Thánh hiền xưa nay các cái thảy im lìm
Duy đấng làng say danh lừng để
Trần vương ban yến xưa Bình Lạc
Rượu đấu mười ngàn
Khách mê say khướt
Nghe như chủ nhân thì thào thiếu tiền?
– Uống cấm lại vò!
– Dốc nốt ta cùng!
– Mời tôi!
– Mời bác!
– Cởi hồ cừu, ngàn vàng!
– Đóng ngựa hoa năm sắc!
Hò trẻ em luôn rượu trứ danh sang tất
– Cùng uống say tan
“Muôn kiếp – sầu – đời”!
6. Bản dịch của Trần Mạnh Hòa
CÙNG NÂNG CHÉN
Bạn có biết ? Nước sông Hoàng Hà cuồn cuộn,
Từ trời cao tuôn xuống biển khôn về!
Bạn có biết ? Chuyện “đài gương tóc bạc” ,
Sớm như tơ mà chiều đã như sương!
Nhập cuộc vui, tận hưởng kẻo tàn!
Chớ để cảnh “chén vàng với nguyệt “!
Tài đã có, ngại chi khốn khó.
Của tiêu ra, liền đó lại về.
Xẻ dê đi! Mổ trâu đi! Hưởng lạc!
Uống mỗi chầu ba trăm chén mới thôi!
Bác Sầm Tham hỡi! Bác Đan Khâu ơ!
Sao không cạn chén của tôi đã mời!
Chắc hai bác muốn hát chơi một bản,
Tôi lắng nghe , mời… hai bác hát cho!
Quí gì soạn ngọc, cổ chung!
Mong say, say mãi không ngừng!
Thánh hiền thì cũng về cùng hư vô
Chỉ có kẻ uống say để tiếng,
Như Trần Vương đãi yến ngày xưa,
Tiệc Bình Lạc mười ngàn chung chưa đủ ,
Vậy chủ nhân, đừng than thở thiếu tiền!
Thiếu tiền, ta có chước hay!
Đem áo cừu này với ngựa Ngũ Hoa,
Kêu trẻ đổi rượu ngon về uống!
Đó đây đồng tiêu vạn cổ sầu.
7. Bản dịch của Nguyễn Tâm Hàn
Người chẳng thấy
Nước Hoàng Hà từ trời cao tuôn chảy
Nhập biển Đông rồi đã chẳng quay về
Trên thềm cao soi gương tóc phai đi
Sáng óng mượt . . .
chiều . . . pha mầu sương tuyết
Hãy vui hưởng cuộc đời
Chớ để bình vàng không bóng nguyệt
Trời sinh ta để vui hưởng cuộc đời
Tiêu nghìn vàng trời cũng lại cho thôi
Trâu, dê giết, cứ vui …quên bờ bến
Hãy uống đi. . .một hơi vài trăm chén
Này Sầm, Đan hai lão bạn ta ơi
Uống cho mau, rượu ta lại sắp mời
Vì hai bác, ta ngân vang lời hát
Cùng nghe nhé:
Nào soạn ngọc, cổ chung tấu nhạc
Hãy say hoài ,tỉnh để mà chi
Thánh hiền kia tên tuổi cũng phai đi
Ta thánh rượu, muôn đời Ông-ngất-ngưởng
Nơi Bình Lạc, Trần Vương xưa yến hưởng
Rượu, tiền dư bừa phứa cứ vui chơi
À … chủ nhân nghĩ ta cạn túi rồi
Đâu dễ vậy, ta mua thêm, uống nữa
Lấy ngựa gấm
lấy áo cừu đổi phứa
Uống cho say quên phứt thế nhân sầu
8. Bản dịch của Võ Thị Xuân Đào
Chàng chẳng thấy Hoàng Hà nước đổ
Từ trời cao biển cả không về
Lầu cao gương tóc bạc phơ
Sáng xanh tơ biếc chiều mơ tuyết trời
Hãy vui sống trong cơn đắc ý
Chén Hòang Kim múc lấy trăng vàng
Trời cho tài giỏi ngang tàng
Ngàn vàng tiêu hết ngàn vàng lại sinh
Giết trâu ngựa cùng vui hãy tính
Uống ba trăm chén tỉnh say nầy
Kính Sầm Phu Tử Đan khâu
Tiệc bày sắp sẳn cùng nhau chớ dừng
Tay nâng chén bài ca tửu hứng
Chàng vì ta xin lắng nghe cùng
Sơn hào hải vị vì chưng
Nguyện say say mãi dẫu rằng ngữa nghiêng
Xưa tịch mịch thánh hiền nổi tiếng
Chỉ riêng ta tửu lượng ghi đời
Trần Vương Bình Lạc yến mời
Mười nghìn một đấu rượu cười thỏa thê
Đừng lo lắng gì ta kém thế
Uống chưa say ta sẽ mang về
Áo nghìn vàng với ngựa hoa
Bảo con đổi lấy cho ta rượu đào
Say cho tiêu vạn cổ sầu
ThíchThích
Bài thơ đọc khoái khẩu anh Dược nhỉ?
Bản dịch lưu loát trôi chảy như một dòng sông, đọc cũng rất thích anh ạ!
Những bài dài như thế này dịch thật khó phải không anh?
ThíchThích
Huệ em,
Anh thật vui khi thấy bài dịch được đăng và có cả các bản dịch của các tác giả khác nữa, mà em cất công sưu tập.
Lý Bạch rất nhiều thơ nhưng bài này có lẽ là hào sảng nhất và đúng phong thái ” Kiếm khách- thơ rượu” của ông.
Anh cũng rất thích bài này, không biết bài dịch có vừa lòng vị “Tiên tửu” chăng! Vì với anh thì đã cố gắng hết sức. Mong sao làm vui bạn yêu thơ chút ít.
Chúc em khỏe nhé .
Anh Hai
ThíchThích
Chào Sư đệ.
Nguyên tác bài này hành văn hùng hồn, đọc nghe sang sảng. Nếu mình không giữ được âm hưởng ấy của tác giả chắc là có tội phải không Sư đệ?
Cảm ơn Sư đệ lúc nào cũng động viên.
Mong mỗi ngày một vui nhé
Anh Hai
ThíchThích
Xin cám ơn chú Đức Dược đã dịch rất lưu loát nghe sướng tai lắm vì vần điệu và từ ngữ của chú thực hay.
Cám ơn cô Huệ đã đưa lên các bản dịch kia để thấy chú dịch tuyệt lắm ạ
ThíchThích
Chào cháu Ban Mai.
Cảm ơn cháu đã đọc và có lời khích lệ động viên, sau này chú sẽ cố gắng hơn nữa.
Chú mong sự yêu thích thơ như cháu, thì chàu sẽ có nhiều bài thơ hay cho chú cùng cả nhà đọc nhé.
Chú Dược
ThíchThích
Ah… hôm nay em lại được đọc thêm một bài thơ hay của anh Hai. Đọc thơ của anh bao giờ em cũng thích.
Nhất quyết là em không có thiên vị vì anh là anh Hai của em đâu nhé!
Bằng chứng là các bài dịch của các tác giả khác do em Huệ đưa ra sẽ xác chứng với mọi người tài dịch thơ Đường tuyệt tác của anh Hai của chúng em !
Em kính thăm anh và chị thường an lạc. 🙂
ThíchThích