Khốn cùng vì án oan sai

TP – Hơn 8 năm đeo đuổi tố tụng vì một bản án oan sai, gia cảnh nông dân Võ Tấn Hiệp rơi tận đáy bần cùng. Kiệt sức kêu oan mãi mà sự việc vẫn chưa tới hồi kết, ông Hiệp quẫn trí toan tự thiêu ngay trước sân tòa án huyện Ea H’leo (Đăk Lăk).

Vì Tòa xử sai, ông Hiệp chưa bao giờ được hái cà phê trên rẫy của ông
Vì Tòa xử sai, ông Hiệp chưa bao giờ được hái cà phê trên rẫy của ông.

Tòa huyện lỡ “kê biên nhầm”

Nhìn vóc dáng gầy guộc, dáng đi liêu xiêu run rẩy, gương mặt nhàu nát thất thần, khó ai tin ông Hiệp chưa tới tuổi năm mươi. Nguyên nhân sa sút kiệt quệ cả về vật chất, thể lực lẫn tinh thần của ông bắt nguồn từ sự bất minh trong công tác xét xử và thi hành án xảy ra tại huyện Ea H’leo hơn 8 năm về trước.

Sau nhiều năm đi thanh niên xung phong, ông Hiệp lập gia đình, bán nhà, vay mượn, gom góp được 23 triệu đồng mua đám rẫy cà phê rộng 2,4 ha của vợ chồng Phan Văn Cường – Phan Thị Thông ở khối 8, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo. Do chưa chuyển được hộ khẩu từ Quảng Ngãi về Đắk Lắk, ông Hiệp nhờ người thân là ông Nguyễn Thanh Phương đứng tên trên giấy sang nhượng, được Ban tự quản buôn Lê Đá xác nhận ngày 28-8-2001. Cuộc mua bán hoàn tất, gia đình ông Hiệp làm nhà, đào giếng, định cư ngay trên đám rẫy để tiện chăm sóc, trông coi. Cà phê sai quả, ông Hiệp đang chờ ngày thu hoạch thì oan trái đổ xuống.

Trong một ngày (17-7-2002), TAND huyện Ea H’leo ban hành tới 4 bản án xét xử sơ thẩm về vụ kiện đòi tiền, giữa chủ nợ là 4 bà hàng xóm với con nợ là vợ chồng Cường – Thông. Trong đó, bà Nga đòi 7 triệu; bà Mười đòi 7 triệu; bà Tự đòi 1,5 triệu; bà Năm đòi 11,55 triệu đồng. Con nợ vắng mặt, tòa vẫn xử buộc vợ chồng Cường- Thông phải trả đủ các khoản nợ như yêu cầu của 4 bà trên. Trong bản án số 25/DSST, Tòa huyện quyết định kê biên đám rẫy vợ chồng Cường – Thông đã bán cho ông Hiệp, giao cho bà Năm để “bảo đảm việc thi hành án”(!).

Hay tin, ông Phan Văn Cường làm đơn kháng cáo, nhưng tòa huyện “ém” đơn không lập hồ sơ kháng cáo. Ông Phương khiếu nại lên tòa tỉnh, chứng minh lô đất không liên quan gì đến vụ kiện đòi nợ kia. Ngày 28-9-2002 Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 30, khẳng định TAND huyện Ea H’leo đã “kê biên nhầm đối tượng”, vi phạm hàng loạt điều quy định trong Bộ luật Dân sự và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, vì vậy tạm đình chỉ thi hành bản án số 25 để chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm.

Biết sai, vẫn cố sai đến cùng

Không đếm xỉa gì tới lệnh của Tòa tỉnh, Đội Thi hành án huyện (dù đã từng trực tiếp lập biên bản xác minh đám rẫy không còn thuộc sở hữu của ông Cường bà Thông), không cần rao trước trên đài ngày 15-10-2002 vẫn lập biên bản bán đấu giá thành đám rẫy với giá 18,5 triệu đồng cho bà Nguyễn Thị Hoa. Chỉ 1 tháng sau, UBND huyện Ea H’leo đã cấp bìa đỏ cho “chủ mới” lô đất.

Hay tin ông Phương vội đến cung cấp cho UBND huyện bản kháng nghị giám đốc thẩm số 30 của Tòa tỉnh. UBND huyện đành “ chữa cháy” bằng công văn số 424 ngày 12-12-2002 gửi Chánh án TAND tỉnh, đề nghị: Khi nào Tòa tỉnh xét xử vụ án dân sự nói trên, thì hủy giùm bìa đỏ mà UBND huyện vừa cấp cho bà Hoa !

Ngày 31-12-2002, Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Đắk Lắk họp phiên giám đốc thẩm, cả 6 thẩm phán và 1 kiểm sát viên cùng xem xét, khẳng định việc TAND huyện Ea H’leo kê biên, giao đám rẫy cà phê không phải là tài sản đang tranh chấp đứng tên ông Phương cho bà Năm là hoàn toàn sai, nên quyết định tuyên hủy bản án số 25/DSST ngày 17-7 của Toà huyện, giao hồ sơ về cho Tòa tỉnh giải quyết lại từ đầu.

Tưởng chừng đúng sai đã được phân xử rõ ràng, thì vụ việc sẽ sớm được giải quyết công bằng minh bạch. Ngờ đâu, ông Hiệp phải hầu kiện triền miên từ năm này qua năm khác, tòa án 3 cấp đã 8 lần tuyên án, xử đi hủy lại mãi tới nay vụ kiện vẫn lùng nhùng chưa xong.

Có phiên, tòa tự động đưa ông Phương vào vai nguyên đơn, ông bà Thông- Cường vào vai bị đơn; Có phiên, tòa lại cho rằng, do đám rẫy cà phê của vợ chồng Cường-Thông chưa được cấp bìa đỏ nên việc sang nhượng cho ông Phương mặc nhiên bị coi là hợp đồng vô hiệu. Chánh tòa huyện đổ thừa do ông Phương rút đơn khiếu nại nên tòa không giải quyết, nhưng khi ông Hiệp yêu cầu cung cấp văn bản rút đơn của ông Phương (tháng 4-2006, ông Phương qua đời vì tai nạn giao thông), thì tòa lờ…

Cùng quẫn tự thiêu

Trong chuỗi hành xử rối rắm từ phía cơ quan công quyền, có chuyện ông Phạm Công Thắng, Phó Bí thư tổ dân phố 8, từng bịa đặt, cho rằng việc mua bán rẫy của ông Hiệp là bất hợp pháp. Đảng ủy thị trấn Ea Đrăng phát hiện, ra Thông báo số 01 ngày 2-3-2009 nhận định việc ông Thắng làm tờ trình gian dối gửi lên tòa, khiến tòa phán quyết sai sự thật trong vụ tịch biên đất rẫy của ông Hiệp là vô nguyên tắc, thiếu trách nhiệm đối với dân. Ông Thắng đã phải nhận hình thức kỷ luật và đến nhà ông Hiệp nhận lỗi, xin ông Hiệp tha thứ.

Hầu kiện mãi đến khánh kiệt gia sản nhưng toàn nghe lời xin lỗi mà không thể đòi lại được mảnh rẫy, sáng nọ ông Hiệp quẫn trí xách một can dầu mazút tới trước cửa TAND huyện Ea H’leo tưới lên người, định tự thiêu. May những người chứng kiến điện thoại báo kịp cho công an thị trấn tới xử lý, tịch thu can dầu…

Trước nỗi khổ tận cùng cả về vật chất lẫn tinh thần của gia đình ông Hiệp, ngày 20-3-2009 ông Phạm Công Thắng viết tờ trình gửi TAND tỉnh Đắk Lắk, tự nhận trước đây mình đã làm chứng sai gây oan cho ông Hiệp. Ông Thắng viết: “Hiện nay gia đình ông Hiệp kinh tế quá khó khăn vì rẫy nương không còn, nợ nần chồng chất. Kính mong TAND Tối cao,Viện KSND Tối cao và các cơ quan bảo vệ pháp luật xét lại đúng sự thật!”. Ông Thắng còn bày ông Hiệp viết đơn xin cứu trợ để ông Thắng xác nhận, đề nghị chính quyền cấp cho ông Hiệp cái sổ hộ nghèo, xin nhà trường miễn giảm học phí lệ phí cho con ông Hiệp…

Đầu tháng 11-2010, ông Hiệp tìm đến báo Tiền Phong, đưa ra lá đơn xin cứu trợ được các cấp xác nhận chi chít, nghẹn ngào: Tôi chỉ cần Tòa trả lại đám rẫy để tự mình lao động nuôi lấy gia đình chứ nào muốn nhận cứu trợ của xã hội. Tại sao Tòa biết sai mà suốt 8 năm rồi vẫn không chịu sửa?

.

Hoàng Thiên Nga

Advertisement

5 bình luận

  1. Thực là đau xót cho những mảnh đời khốn khổ. thấp cổ bé miệng, oan sai, đến bước đường cùng như của ông Hiệp.

    Trời ơi!
    Đọc bài của Thiên Nga mà chua xót nhớ mấy câu thơ học hồi Đệ Tứ :

    “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
    Đời trước làm quan cũng thế a!”

    Cám ơn nhà báo Thiên Nga và báo Tiến Phong phơi bày oan khuất và giúp cho nạn nhân

    Thích

  2. Đọc bài mà thấy …quen quen!
    Hình như đã gặp đâu đó rồi, nghe đâu đó rồi những chuyện tương tự.
    Cán bộ làm mất lòng tin dân chúng quá.
    Thật phẫn nộ!
    Cảm ơn chị Thiên Nga đã lên tiếng!

    Thích

  3. Thật là khó chấp nhận đới với những vị “quan” quá vô cảm !
    VBuj việc này xét đến cùng phải kỉ luật thỏa những kẻ cố tình làm sai pháp luật nà đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho ông Hiệp !
    Cảm ơn Hoàng Thiên Nga đã góp tiếng nói của mình để bảo vệ công lí ! hãy phát huy những phẩm chát tốt đệp của người làm nghề báo nàng nhé !
    Trân trọng!

    Thích

  4. Trời ạ,

    Chị đọc bài mà nghe lồng ngực cứ nặng nề. Chị mong công lý (đích thực) sẽ giúp soi sáng cho người dân chân chính được cậy nhờ.

    Cám ơn còn có báo Tiền Phong và ký giả Hoàng Thiên Nga đã lên tiếng giúp dùm cho nạn nhân !

    Thích

  5. Các anh chị thân mến

    Từ một nguồn tin riêng, HTN được biết hôm qua 17.11 đã có 1 vị lãnh đạo toà tỉnh nhận lệnh ra Hà Nội giải trình với Toà Tối Cao về vụ xét xử oan sai này.

    Chúng ta tiếp tục chờ xem các cơ quan tư pháp có thực thi công bằng, lẽ phải cho ông Hiệp hay không.

    HTN

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: