• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 1 097 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 1 097 other subscribers

Ngắm trăng (Vọng Nguyệt)

Vọng Nguyệt

Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung,

Bán tợ ngân câu, bán tợ cung.

Nhứt phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,

Bán trầm thuỷ để bán phù không.

.

Dã Tăng

.

Dịch nghĩa:

Ngắm Trăng

.

Mồng ba, mồng bốn trăng còn mờ,

Khi thì nhìn như cung uốn, khi như móc ngọc.

Một mảnh, mặt hồ đã chia làm hai,

Nửa chìm đáy nước, nửa nổi trên không.

 

Dịch thơ

.

Ngắm Trăng


Mồng ba, mồng bốn trăng mờ,

Khi như cung uốn, lúc trơ móc dài.

Hồ chia một mảnh làm hai,

Nửa in đáy nước, nửa cài tầng không.

.

Nguyên Vũ

 

****

Lời Giới Thiệu Thiên Gia Thi

Giao du đã lâu, nhiều lần trò chuyện cùng Nguyên Vũ, tôi phải gồng đủ mười thành công lực Hán Nôm còm cõi mà nghe anh bình thơ Đường. Càng lúc ta càng nhận ra nơi anh một ý chí hừng hực và một kiến văn quảng bác. Cuối cùng anh đã khẳng định chắc chắn nhận thức của tôi bằng tập  “Thiên Gia Thi” này.

Tôi là người  dạy văn nên cũng ý thức thế nào là công việc dịch. Vì tôi hiểu, dịch không chỉ là phiên mà còn là tác. Không chỉ thay áo ngoại mặc áo nội mà phải làm sống dậy cả cái thần hồn của con người phương xa vốn không quen thuỷ…thổ xứ mình nên còi cọc ngay từ khi nhập tịch. Với tôi, muốn thẩm định một bài thơ dịch trước hết phải tách nó ra thành độc lập, ngâm vang nó lên, rồi nghe ngóng thử có cái điệu thi âm huyền diệu nào không. Bài nào mà ngóng mãi, gõ mãi vẫn chưa trồi ra điệu tâm tư nào thì chỉ còn cách vứt đi. Đó là tác. Cuối cùng, phải đặt nó vào miền xác định nguyên bản. Đó là phiên.

Tôi đã  đọc “Thiên Gia Thi” của Nguyên Vũ một cách thận trọng như thế. Vừa nghe ngóng để chấp nhận, vừa so đo để bằng lòng. Và trong tôi “ Vọng Nguyệt” ( Dã tăng), “Phùng nhập kinh sử” ( Sầm Than),  “Hồi hương ngẫu thơ” ( Hạ Tri Chương), là những bài dịch hiếm có.

Tuy chưa thật toàn thập, song ở một mức độ nào đó, tôi đã đối thoại được với những thi nhân xưa bằng chính giọng điệu của Nguyên Vũ.

Tôi nghĩ dạy thơ, dịch thơ có lẽ cũng cùng chung cái khó của người phù thuỷ cầu hồn. Tránh sao khỏi những lúc Hồn Trương Ba da hàng thịt. Hãy để việc vạch lá tìm sâu cho những chàng khó tính. Tôi chỉ biết mình rất trân trọng bước  “độc hành” của anh. Khi người đời sa vào cuộc chơi mà ăn thua tính bằng nhân cách thì anh lặng lẽ tìm đến với thơ xưa, âu cũng là một kiểu “độc hành kì đạo”. Bởi khoái trò chơi lặng lẽ và ngược ngạo nên bạt đôi lời làm tin, cũng là kiểu cạn chén “trăm phần trăm”.

.

Nguyễn Tấn Ái

Advertisement

11 bình luận

  1. Anh Hai thương kính,

    Được đọc thơ của anh Hai hôm nay giúp cho em được nhiều thư giản.

    Và em còn được đọc lại bài giới thiệu của em Ái về thơ của anh Hai nên cũng thấy vui hơn.

    Cầu mong an lạc cho anh và em Ái. Em kính thăm chị.

    Thích

  2. Phượng em
    Anh cũng thế, đọc đươc phãn hồi của em anh cảm thấy vui. Vì nguyên tác bài thơ nay hay quá! anh nghĩ nếu không tải được thì có tội với người xưa,may sao được Ái thích trước đây giờ có thêm em nữa.
    Bài thơ này có giai thoại rằng; Sau khi Dã Tăng làm xong 2 câu kết thấy hay nên rất vui và nghỉ là có Phật cảm trong đó, nên bảo đệ tử ra đánh hồi chuông để thướng Phật và tiếng chuông này đã vọng đến bến Cô Tô khi ấy là nửa đêm, nên bắt được cảm hứng mà Trương Kế cũng đã hoàn thành nốt 2 câu kết của bài “Phong Hiều Dạ Bạc” Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
    Chúc em vui , khỏe

    Thích

  3. Chị Huệ!
    Biết chị bận, mà không gõ bài giới thiệu được giúp chị, em thật có lỗi, chị cho em xin lỗi nghe chị!
    Em Ái.

    Thích

  4. Anh Dược!
    Cái kết thật hay:Bán phù không mà chuyển là nửa cài từng không thì thoáng lắm!
    Hình như chữ cài này học được từ Truyện Kiều: Phênh cài song thưa?
    Tuy nhiên dịch ý bán tựa ngân câu mà thành nửa trơ móc dài thì chưa đạt anh ạ!
    Ái rất thích câu kết thôi , hay quá!

    Thích

  5. Anh Dược kính,

    Em chờ Kiêm Yến bổ sung bản dịch khác hay thắc mắc để anh giải đáp nhưng cuối tháng em Yến bận lắm nên chưa vô phản hồi được.
    Em cũng suy nghĩ ở chỗ Ái nói.
    Để em thử coi bản dich khác, em sợ chỗ này khó dịch đạt hơn anh đâu.

    @ Tấn Ái:

    Chị tranh thủ được thì gõ cũng nhanh mà em. Không có gì nhiều tốn công đâu! Cứ an tâm đi em

    Bài giới thiệu của em thấu đáo mà cũng bộc bạch được cái cốt “ngào ngạo” , lãng tử của em .

    🙂 😛

    Thích

  6. Đọc ” NGẮM TRĂNG” của anh Dược thật là lãng mạn .Em thấy hai câu cuối rất hay
    “Hồ chia một mảnh làm hai ,
    Nửa in đáy nước ,nửa cài tầng không”. Câu thơ rất hình tượng rất độc đáo .
    HP

    Thích

  7. Anh Dược, chị Phượng kính, em Ái và Hồng Phúc thân

    Có mấy bản dịch tìm được xin post để mình thấy là dịch thơ Đường được như anh Dược là ” siêu ” lắm:

    Mồng ba mồng bốn trăng mờ ,
    Nửa dường móc bạc, nửa như cung trời .
    Một bình ngọc trắng chia hai ,
    Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không.

    .(Trần Trọng San)

    *****

    Mồng ba mồng bốn trăng mờ ,
    Nửa dường móc bạc, nửa như cung trời .
    Hồ chia miếng ngọc thành hai ,
    Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không
    .
    (Trần Tuấn Kiệt)

    Mồng ba mồng bốn nguyệt mờ trong
    Nửa như móc bạc nửa cung vòng
    Một miếng ngọc hồ chia hai mảnh
    Nửa chìm đáy nước nửa trên không
    .
    (Phí Minh Tâm)

    Mùng ba, mùng bốn, ánh trăng lung
    Nửa giống câu liêm, nửa cánh cung
    Ai ném chén vàng đôi mảnh vỡ
    Nửa chìm đáy nước, nửa trời khung!

    (Việt Thao)

    Đêm nay đầu tháng trăng mờ
    Nửa như móc bạc nửa ngờ vành cung
    Hồ xanh ai xẻ đôi vừng
    Nửa in đáy nước, nửa lồng chân mây.

    (Lệ Nương Nương)

    Trong Quyển I Thơ Ðường của Trần Trọng San, câu chuyện Sư Hàn San này bắt đầu ở trang 128 như sau: ” Giai thoại kể rằng một tối kia, vi sư tại chùa Hàn San làm được hai câu thơ đầu của bài Vọng Nguyệt

    Nguyên tác : Hàn San và Sư Đồ

    “Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung,
    Bán tợ ngân câu, bán tợ cung.”

    Rồi chú tiểu làm tiếp hai câu cuối:

    “Nhứt phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
    Bán trầm thuỷ để bán phù không.”

    Sau đó vị sư truyền cho chú tiểu lên thắp hương, thỉnh chuông để tạ ơn Phật tổ đã giúp hai thầy trò ngẫu nhiên cộng tác làm nên được bài thơ xứng ý. Chính tiếng chuông nầy đã vẳng đến thuyền của Trương Kế đậu tại bên Phong Kiều, khiến thi sĩ làm hai câu cuối của bài Phong Kiều Dạ Bạc.”

    Em có băn khoăn về cách dịch của cụ Trần Trọng San về cách dịch “bình ngọc trắng “
    “Nhứt phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,”

    (Một bình ngọc trắng chia hai )

    Em tìm được một cách giải thích như thế này:

    Theo âm điệu bài tứ tuyệt nầy, các câu 1, 2 và 4 phải ngâm 4 chữ và 3 chữ. Câu 3 không thể ngâm 3 chữ rồi 4 chữ. Như thế chữ ngọc không thể tách rời chữ hồ. Chữ phiến chỉ là một lượng từ để đếm có nghĩa là cái, không dịch là miếng hay mảnh. Do đó chữ phiến không nhất thiết đi đôi vớí chữ ngọc. Về bối cảnh, chùa Hàn San làm gì có ao hồ trước chùa hay gần đó. Có chăng trước chùa là một giếng nước hay một cái lu chứa nước trong đó có vài hoa sen. Như thế ngọc hồ đây phải là cái bình ngọc rồi.

    Một nhiệm vụ của chú tiểu có lẽ là tưới hoa. Chú đã dùng một chiếc bình miệng rộng dạng như bình hồ lô múc nước để tưới hoa. Khi kéo nước từ giếng lên châm vào bình, hoặc khi dùng chiếc bình để múc nước trong lu, bóng chiếc bình lao chao dưới đáy nước. Như thế rõ ràng là nửa chìm đáy nước nửa ở trên không trong tay chú tiểu nên Cụ San dịch là bình

    Xin anh Dược giải thích thêm cho em ạ.
    Cám ơn anh nhiều.

    😛

    Thích

  8. Huệ em,
    Như các bài dịch mà em đã sưu tập và giới thiệu cùng tham khảo, thì tất cả dịch giả đều khó khăn khi dịch câu 2, vì lo chuyển vận qua câu 3, do đó khi cố gắng dịch sát nghĩa thì thì giọng thơ bị thô và hầu như ai giải quyết được câu 2 thì qua câu 3 bị khó khăn ngay.
    Anh cũng rơi vào tình trạng đó nên câu 2 bị phô như Ái nói là đúng.
    “Nhất phiến ngọc hồ, phân lưỡng đoạn” như Trần Trọng San dịch và phân tích nhịp thơ của em, theo anh nghĩ: Về giai thoai thì em nói đúng rồi, còn về nhịp câu 3 thì anh hiểu: Một mảnh trăng lung linh như ngọc, được nước chia làm 2 phần, nửa in trên trời nửa in đáy nước. Còn nước đây dựng bằng cái gi? Như em nói, anh cũng không rõ chùa Hàn San có hồ ao to hay không, nhưng ít nhất phải có giếng, có chum, không thì cái hồ xây để thả sen hoặc đựng nước để tưới cây cảnh. Còn thời gian bây giờ là nửa đêm anh nghĩ: chú tiểu không đi tưới cây làm gì giờ đó và nếu tưới cây đi nữa thì bị sóng nước làm ánh trăng vỡ vụn ra nhiều mảnh chứ không phải một mảnh dưới nước được nữa đâu. Mà ở đây câu thơ rất tỉnh lặng “ Bán trầm thủy để, bán phù không” chú tiểu đi tưới nước cây thì không thể bắt gặp được thần thơ như thế, nên anh mới dịch “ Hồ chia một mảnh làm hai, Nửa in đáy nước nửa cài tầng không”.
    Trao đổi cách nghĩ của anh là thế khi dịch câu 3. Vì thơ họ làm mà mình hiểu, do đó có khi không đúng cũng nên
    Chào thân ái

    Thích

  9. Anh Dược, chị Phượng, chị Huệ kính!
    Giai thoại về bài thơ thật hay, tuy nhiên nghe lâu rồi mà Ái vẫn chưa hiểu ở chỗ hình như ngộ tính của hai câu kết rất cao nên mới được sư phụ cho thỉnh chuông?
    Vậy chất “ngộ” của chú tiểu ở đây là gì?
    Anh và mấy chị nếu có ý gì giải thích cho Ái với, vì Ái ít hiểu về Phật học.
    Ái

    Thích

  10. Em chào cả nhà,
    Em xin lỗi, vì bận quá nên không kịp vào đọc bài dịch thơ Ngắm Trăng của anh Dược trên BMH. Nhưng nhờ thế mà em đọc được phần trao đổi rất thú vị của các anh chị :-).
    Khi đọc bài này trên Thiên Gia Thi, em đã rất thích. Có lẽ em nghĩ giống như Ái, câu 2 hơi thô (có lẽ chữ “trơ” làm hình ảnh Trăng mất đi chút huyền ảo, anh Dược nhỉ?). Nhưng quả là chuyển tải hồn thơ, ý thơ từ nguyên tác sang lục bát quá khó, nói dịch thơ là sáng tác lần hai, quả không sai chút nào.
    Trong số các bài dịch chị Huệ post để tham khảo, không phải thiên vị nha, em thấy vẫn không có bài nào dịch sát mà thanh thoát như anh Dược.
    Bài của ông Trần Trọng San vừa sai niêm luật (xin lỗi, nhưng điều này ai cũng nhận ra được, em không dám đánh giá, chỉ là ghi nhận mà thôi :-(), vừa cần phải bàn lại. Em đồng ý với cách giải thích của anh Dược. Cho là chú tiểu múc nước tưới cây lúc nửa đêm, thì bình ngọc hẳn đã làm mảnh trăng vỡ vụn trên mặt hồ/ao/giếng/chum… rồi, làm sao “phân lưỡng đoạn” được nữa. Chưa kể, trải qua thương hải tang điền, làm sao kiểm chứng được chùa Hàn San thời điểm đó không có ao/hồ? Trung quốc nổi tiếng về “giang hồ” mà, chùa Trung quốc mà không có hồ sen thì mới là lạ :-).
    Về câu hỏi của Ái, em cũng không rõ. Nhưng hình như không phải chú tiểu “ngộ” ra được điều gì mới. Phải chăng chú tiểu thỉnh chuông chỉ là để tạ Phật đã tụ duyên cho hai thầy trò cùng ghép đôi câu thơ tương hợp để thiên hạ ngày nay có bài Vọng Nguyệt như truyền thuyết dưới đây?

    “Cuốn “Thơ Đường” của Trần Trọng San có ghi lại có một truyền thuyết khá lãng mạn về bài này. Một đêm trăng, sư cụ trụ trì chùa Hàn San, cảm hứng nghĩ ra hai câu thơ :

    Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
    Bán tự ngân câu bán tự cung

    Thao thức mãi trong phòng mà sư cụ không nghĩ ra hai câu tiếp. Tự nhiên có tiếng gõ cửa. Thì ra là chú tiểu cũng trằn trọc vì 2 câu thơ mình mới nghĩ ra:

    Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
    Bán trầm thủy để bán phù không

    nhưng cũng không làm tiếp được và xin thầy giúp. Nghe xong, sư cụ mừng quá, quỳ xuống tạ Phật.

    Làm xong bài thơ này lúc nửa đêm, sư cụ bảo chú tiểu đánh chuông tạ ơn Phật. Tình cờ đêm hôm đó trên thuyền, thi sĩ Trương Kế cũng không ngủ được vì không nghĩ được câu tiếp cho hai câu “Nguyệt lạc ô đề…”. Tự nhiên chuông chùa Hàn San đổ đến, gợi hứng cho thi nhân hoàn tất bài Phong Kiều Dạ Bạc ” …Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền ..” “.

    Em chờ các anh chị giảng giải thêm nha.
    Chúc cả nhà một ngày vui 🙂

    Thích

  11. Huệ ơi! Anh viết phần này em xem thấy được thì post nhé.

    Chào cả nhà.
    Bài ngắm trăng của Dã Tăng đến đây có thể thỏa mãn cách hiểu chung của các người dịch. Tuy vậy có vài vấn đề tưởng cũng nên đưa ra để mọi người tham khảo.
    1/ Chữ (Hồ) trong tự điển chữ Hán thì rất nhiều, như Hồ là cáo chẳn hạn. Ở đây ta chỉ bàn từ Hồ có liên quan trong thơ thôi, (vì không thể viết nên mình chỉ nói)
    – Một chữ Hồ là bầu rượu, 1 chữ Hồ là cánh cung, và chữ Hồ là ao( Cổ nguyệt có chấm thúy) chữ này các văn bản đều dùng.
    -Chữ hồ là bầu rượu ở đây ta đã loại.
    -Chữ hồ là ao, ở đây ta có thể hiểu “ Nhứt phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn”. Một mặt hồ nhỏ trong như ngọc, đã chia cái đang mông lung vừa giống móc bạc, vừa giống cánh cung, để nửa chìm đáy nước, nửa treo trên trời.
    Ý khác là: Câu 2 giới thiệu “bán tợ cung”Có phải? Một cánh cung như ngọc được chia 2 khi Sư tiểu đi ngang qua vật gì đó đang đựng nước (ao, chum, vạy, chão, hồ nhỏ..) Sư tiểu nhìn cảnh đẹp, bắt gặp tứ nên thốt lên như thế? (nhưng chữ viết không phải).
    2/ Ngữ cảnh và thời gian không khớp.
    Đêm mồng ba, mồng bốn trăng mômg lung ( chưa tỏa sáng và chưa rõ ràng} Thời gian xác định này có nghĩa là : khi màn đêm xuống thì trăng cũng đã xế, mà đã xế thì đến nửa đêm làm gì còn trăng. Cho đẫu trăng có còn nhưng đã gác núi thì không thể chiếu và in bóng bất cứ nơi nào có nước được.
    Do đó bài thơ này chúng ta không thể so sánh sự vật và thời gian ở đây nữa, mà chỉ tưởng tượng cảnh vật bài thơ đã xâu chuỗi lại để liên tưởng và nâng hồn thơ bay bổng cùng tác giả vậy.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: