• Bài viết mới

  • Thư viện

  • Chuyên mục

  • Tag

  • Join 1 097 other subscribers
  • Bài viết mới

  • Blog – theo dõi

  • Enter your email address to follow this blog and receive notifications of new posts by email.

    Join 1 097 other subscribers

Đưa con đi học

Ngày cao điểm, mẹ phải đưa chị lớp Chín đi học lúc 6g30, quay về đưa anh lớp Hai đi học 7 giờ, lại quay về đưa bé Út đi mẫu giáo lúc7g30 rồi đi làm luôn; trưa tranh thủ ra sớm rước chị lớp Chín lúc 11g45 về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi tí xíu lại đến trường 13g30; chiều 17g đi làm ra ghé rước chị lớn cùng về; buổi tối lại thêm 2 tua đưa và rước một trong hai anh chị đi học thêm. Buổi trưa, ngoài cái nắng nóng như thiêu đốt còn là cảm giác căng thẳng vì buồn ngủ mà không được ngủ. Có khi mẹ đang lái xe một cách tập trung vì vấn đề ấy thì nghe gõ cốc cốc vào đầu từ phía sau; thì ra là cái nón bảo hiểm của con cốp cốp vào nón mẹ – con ngủ gật.

Ấy là mẹ đã sử dụng quyền trợ giúp “nhờ người thân” trong việc đưa đón các con đi học. Bởi thế, có lần khi vừa đến trường trường mẫu giáo, bé út hỏi sao các bạn được mẹ đón còn con thì không. Mẹ trả lời vì mẹ đi làm ra rất trễ. Con gái của mẹ tạm thời bỏ qua. Còn Bách, một bạn cùng hoàn cảnh với con đã nói cứng rắn: “Con sẽ đợi mẹ”. Và hôm sau, khi mẹ Bách đến đón, con trai đang khóc vì buồn và sợ: mẹ Bách bị kẹt xe đến trễ.

Chuyện đưa con đi học thời kẹt xe ở Sài gòn thì đúng là dở khóc dở cười. Một buổi sáng, cái lô cốt đào đường hiện diện ngay trước cổng trường mẫu giáo của bé Bơ. Vất vả lắm với bao nhiêu là khói và bụi, chiếc xe của mẹ và bé Bơ mới tới được cổng trường. Tới cổng trường rồi nhưng còn khó khăn lắm mới lọt vào được sân trường nên mẹ phải gửi bé Bơ lọt vào cổng trường trước cho đỡ cái khói bụi, mồ hôi, ồn ào. Cho đến khi đưa được xe vào sân trường, không thấy con đâu, mẹ hốt hoảng chạy lên lớp, con đang ngồi trên cái ghế thấp cất ba lô vào tủ trước của lớp, mắt ngấn nước, và chỉ chờ có gặp mẹ là bao nhiêu nước trong đôi mắt ngây thơ đến tội nghiệp ấy trào ra. Mẹ cũng không cầm được nước mắt.

Cũng là nạn kẹt xe mà có những chiều đón chị lớn về nhích từng chút một, có khi hơn cả tiếng đồng hồ, mà cái đoạn kẹt xe chỉ cách nhà còn ½ cây số. Rất xót con thời giờ không có, bài vở lúc nào cũng nhiều quá sức có thể hoàn thành, nhưng nạn kẹt xe không loại trừ ai. Con đã ra khỏi nhà từ trước 6g30 sáng và cũng vào giờ đó buổi chiều tối mới về được tới nhà.

Không kẹt xe thì quang cảnh trước trường đầu giờ sáng rất vui, đáng được làm thành một bài tập làm văn. Nhìn từ xa trên cao, hầu như tất cả chỉ có một quy trình: xe trờ tới cổng trường, các cô cậu học trò xuống xe, chào ba mẹ và bước vội vào trường; có khi vội quá quên đồ lại phải í ới gọi nhau quay lại. Không nhiều, nhưng cũng còn vài gia đình giữ nếp hôn tạm biệt, trông rất tình cảm. Có phụ huynh vội vọt xe đi, cũng có người nán lại đến khi con vào khuất cổng trường …

Bước qua cổng trường là con đã vào một thế giới khác, ở đó là thầy cô, sách vở, bạn bè, những giờ học nối tiếp nhau, một guồng máy mãi quay kéo theo bao nhiêu là tâm huyết, sức khỏe thầy và trò. Những lần đến sớm đón con, mẹ thích quan sát quang cảnh trong sân trường: những con người di động và những vật thể đứng yên. Tất cả đều mang màu sắc của dạy và học. Tuy là học trò tất cả đều đồng phục, nhưng không một ai giống ai. Mẹ tưởng tượng trong vai Thầy Cô đứng trước lớp, trước mấy chục khuôn mặt và từng ấy đôi mắt khác nhau đang nhìn mình, quả là một điều thú vị. Chấm bài, đọc từng ấy nét chữ, quả là cuộc sống đầy sắc màu. Nhiều lúc thật là buồn với cái cặp 4-5 kg của con, nhưng cũng biết từng ấy chữ nghĩa, kiến thức con được học mỗi ngày. Và cho dù mẹ “bó tay” bất lực với một áp lực học hành đè nặng lên một đứa con mà mẹ đã sinh ra vốn đầy đủ, lành lặn, khỏe mạnh, vui vẻ, hiền hòa; mẹ vẫn phải công nhận nhà trường vẫn là một môi trường sống quan trọng, chi phối con nhiều hơn 10 tiếng mỗi ngày ở đó; tình cảm của thầy cô, bạn bè ở đó đã cân bằng và bổ sung tình cảm, nghị lực, ước mơ của con.

Giữa bộn bề cuộc sống gia đình, công việc, con cái học hành, lắm lúc mẹ thấy chuyện đưa đón các con đi học thôi cũng đã là vất vả rồi;mà quên mất các con được đi học, còn đi học, mẹ còn được đưa các con đi học là một niềm hạnh phúc to lớn. Bởi thế, mỗi lần đưa con đến lớp, mẹ luôn muốn cười chào tạm biệt. Cười để xí xóa những gì đã qua;  cười động viên, chúc con tự tin và nhiều may mắn với một ngày mới. Không chỉ có đôi mắt cười mà mẹ còn muốn kéo khẩu trang xuống để cười trọn nụ cười với con.

.

Phương Thảo

16/ 10/2010.

Advertisement

6 bình luận

  1. Cô rất cám ơn em dành thời gian cho BMH.
    Tâm sự và nỗi lòng của em cũng là của nhiều bậc cha mẹ:

    “Bị”“được” đều do cách nhìn của mình, nhưng em hiểu là con được học, em được đưa đón dù nhọc nhằn quay như cái chong chóng hay con thoi trên chiếc Honda mà em không chỉ cười trong mắt mà còn trên môi (cho trọn nụ cười với con), thế là hạnh phúc.

    Vậy nên cá nhân cô rất trân trọng những gì em đã làm cho BMH: rất tranh thủ để có thể dành thời gian chia sẻ và góp sức cho BMH.

    Have a beautiful Sunday. 😛
    .

    Thích

  2. Làm cha làm mẹ bây giờ
    Sáng trưa chiều tối bơ phờ vì con
    Đặt lưng giấc chửa kịp tròn
    Đã ngong ngóng mắt đã bồn chồn chân
    Con ngoan còn thoả dăm phần
    Con hư, khóc mấy vạn lần cho khuây
    Chong đầy mắt vốc đầy tay
    Chỉ mong con hỡi mai này cho nên
    Chẳng mơ con những đáp đền
    Chỉ mơ con hãy giữ bền lòng nhân

    Thích

  3. Một bài viết rất sâu sắc, câu cuối hay lăm Phương Thảo ơi: “Không chỉ có đôi mắt cười mà mẹ còn muốn kéo khẩu trang xuống để cười trọn nụ cười với con.” . Được yêu thương con là hạnh phúc vô giá của mẹ!
    Cảm ơn Phương Thảo.

    Thích

  4. Bài viet that de thuong và de ghét.
    De thuong là : anh Thong noi rat dung.
    De ghét là : ket xe .
    Bài viet hay.

    Tam

    Thích

  5. Phương Thảo rất vui vì được chia sẻ.

    Xin cám ơn và gửi đến mọi người một nụ cười trọn vẹn :).

    Thích

    • Những lời chia sẻ của chị Thảo thật sự xúc động. Hạnh phúc của mẹ là được dõi theo sự phát triển từng ngày của con. Em rất ngưỡng mộ chị. Em học được ở chị sự dịu dàng với con cái và sự khéo léo trong việc dạy dỗ các con. Em cầu mong gia đình chị luôn luôn vui vẻ, hạnh phúc.

      Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Blog Chuyên Anh

Nurturing Language Talents

%d người thích bài này: