Đọc “Marley và Tôi”, lòng tôi tràn ngập sự chia sẻ tình yêu thương với những nhân vật trong truyện. Marley là một con chó thuộc giống tha mồi, to xác và ngốc nghếch, nhưng nó sinh ra trên đời để được yêu thương, một tình yêu thương không giới hạn, không điều kiện của cặp vợ chồng chủ trẻ. Tình yêu thương hiện hữu trên từng trang sách.
Marley đã làm tôi phải suy nghĩ. Đương nhiên là nó cũng có những chiến công đáng nể vì tình yêu thương, sự nghiêm túc và trách nhiệm đối với chủ nhân của nó. Tuy nhiên, nó thật sự gây nhiều phiền toái, phiền toái nhiều hơn là chiến công, như là chuyện nước dãi của nó thường xuyên văng đầy trong xe hơi, và những lần nó phá tan nát căn phòng khi ở nhà một mình… Những chuyện thật sốc nó gây ra đã không hề gây sốc trong tình yêu của chủ nhân dành cho nó.
Marley chỉ là một con chó thôi, một con chó gây nhiều phiền toái, không phải nói một tiếng là nghe, mà lại được yêu thương đến thế. Tôi lại nghĩ đến con mình: con nghiêm túc nhiều hơn ỷ lại, khéo tay nhiều hơn phá hoại. Vậy mà lắm lúc mẹ giận và bỏ mặc con vì những cá tính của con được quy là trọng tội cứ lập đi lặp lại.
Yêu thương làm con người vui vẻ, thăng hoa hơn là tâm trạng giận hờn, đòi hỏi. Nhưng yêu thương vô điều kiện thì không phải là chuyện dễ làm (may ra là dễ nói thôi). Vậy mà tình yêu giữa những vị chủ nhân đáng kính và Marley trong câu chuyện đã hiện hữu một cách tự nhiên và quan trọng như là hơi thở.
Marley, tao cũng yêu mày.
.
Phương Thảo
– 06/2010.
Filed under: Chưa phân loại | Tagged: Sống Đẹp, Sống đẹp, Tản mạn, Tản mạn, Văn hoá, Văn hoá |
Chị Phương Thảo!
Điều này còn có một điểm gì đó rất kì lạ, chị có bao giờ thấy một đứa bé bị cha đánh cho thất kinh vì quên cho con vẹt ăn không?
Nhiều ( hay ít gì đó ) lại yêu con mèo, con cún cưng hơn mấy đứa con mình!
Dĩ nhiên chị cảnh tỉnh rất hay, song điều này hãy còn lạ lắm!
ThíchThích
Đạt đã từng có thời gian nuôi chim, có hồ cá biển rất lớn ở nhà, ở văn phòng, còn chó thì có 3 con…đó là chuyện của 20 năm trước cho đến khi Đạt cùng một số bạn đi Ethiopia – Phi Châu để chứng kiến nạn đói ở đây. Lúc đó Đạt mới giật mình. Số tiền Đạt bỏ ra hàng tháng để nuôi chim, chăm sóc hồ cá biển và chó (tiền chăm sóc cho chó ở Mỹ gồm có tiền ăn, tiền bác sĩ thú y, tiền đi cắt lông…chưa kể tiền gởi mấy chú chó này ở khách sạn mỗi khi Đạt phải đi làm xa) có thể giúp nuôi ăn cho hơn 100 em bé tại Phi Châu một cách rất dể dàng.
Chúng ta,
yêu thương thú vật – đó là quy luật tự nhiên,
yêu thương cây cỏ – đó là quy luật tự nhiên,
yêu thương loài người – đó là quy luật cần phải có,
và nếu đem lên bàn cân giữa việc giúp người hay thú vật, ta chọn bên nào trước.
Đạt sẽ chọn giúp người trước,
và thành thật xin lỗi các bạn đang nuôi thú vật trong nhà – nhất là những người thích học làm sang – vì bài phản hồi có tính rất gàn này nhé.
Phạm Lưu Đạt
ThíchThích
Gia đình Thảo thì chỉ nuôi … 3 đứa con.
Rất tiếc là chưa có điều kiện để nuôi con gì khác ngoài 2 con hamster đã rủ nhau chết hồi tháng trước.
Đọc câu chuyện này, Thảo chỉ thấy ngớ ra một điều là con chó mà còn được thương yêu như thế, sao con mình cứ bị mẹ “ghim” những cái tội thuộc về bản tính, gần như không thay đổi được.
Câu cuối “Marley, tao cũng yêu mày” có nghĩa là “Con gái của mẹ, con đáng được yêu thương nhiều hơn nữa”.
Cám ơn anh Ái, anh Đạt đã chia sẻ.
ThíchThích
Em thương! Những viên kẹo ngọt ngào!!! Chị thật xúc động và thấy an lòng khi em đã nói lên câu “Con gái của mẹ, con đáng được yêu thương nhiều hơn nữa”.! Chi luôn tin vào sự ngọt ngào của em, mọi việc sẽ tốt đẹp! Em à, “thân ngữ vô cùng quan trọng và nó mang lại hiệu quả đẹp nhất cho sự biều lộ tình thương. đặc biệt là con gái cưng của mẹ!!!” Chúc em vui và mãi ngọt ngào!!!
ThíchThích
Chị lại được đọc thêm một bài hay của Phương Thảo. Chị xúc động và giựt mình Thảo ạ ! Và chị lại tự động kiểm tra bản thân. về khả năng yêu thương của mình ! Cám ơn Thảo nhiều nhé ! 🙂
ThíchThích
Khi đã biết yêu một chú Marley bằng “một tình yêu không giới hạn”, đến mức chấp nhận những phiền toái từ nó, thì làm sao không thức tỉnh khi “giận và bỏ mặc con mình”?
Đã tình thương con thì không điều kiện rồi, nhưng “tỏ ra” ghét con nhiều khi cũng là một phương cách giáo dục phải không chị Phương Thảo. (nhưng chỉ “tỏ ra” thôi nhé!)
Cảm ơn chị, một câu chuyện nhiều trao đổi.
Thống.
ThíchThích